Đó là vấn đề hiệu quả của đường dây nóng mà Bộ Y tế đã triển khai, vấn đề phòng chống dịch bệnh và vấn đề quá tải tại các bệnh viện.
PV: Trước hết xin cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia chương trình này của chúng tôi. Câu hỏi đầu tiên xin chuyển tới Bộ trưởng là vừa qua Bộ Y tế đã triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bệnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Dịch sởi đã xảy ra rải rác tại một số địa phương, dịch cúm gia cầm cũng đang có nguy cơ bùng phát. Vậy Bộ trưởng đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt như thế nào để ngăn chặn các nạn dịch này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đối với dịch sởi, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã xử lý rất quyết liệt. Thứ nhất là có các văn bản gửi cho Ủy ban nhân dân các tỉnh là chỉ đạo cho các Sở Y tế phối hợp với tất cả các ngành để tiêm cho các cháu mũi một và tiêm mũi hai cho tất cả các cháu còn sót.
Thứ hai là tổ chức giao ban trực tuyến, hướng dẫn các quy trình tiêm chủng và kiểm tra tại các tỉnh trong tháng 2 này tiêm khoảng 200.000 cháu, và đối với quy trình điều trị thực hiện đúng quy trình chẩn đoán điều trị để giảm tỉ lệ thấp nhất tử vong của các cháu. Nhìn chung bệnh sởi là lành tính, có tử vong là do các gia đình mang cháu đến chậm và không được tiêm chủng kịp thời. Với đặc thù xứ lạnh, tốt nhất các bà mẹ nên đưa các cháu đi tiêm sởi cả hai mũi.
Đối với dịch cúm A/H5N1, từ đầu năm nay có hai ca tử vong tập trung ở phía Nam và hiện nay đã có 20 tỉnh công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở gia cầm và thủy cầm. Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã với phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác. Với Bộ Nông nghiệp thì có những giải pháp rất quyết liệt để không chế dịch cúm gia cầm bằng nhiều giải pháp. Về phía Bộ Y tế, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền với người dân tránh tiếp xúc và ăn các thực phẩm có nhiễm cúm và thực phẩm mắc bệnh đã chết.
Đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh rất đơn giản, như là rửa tay bằng xà bông và giữ vệ sinh răng miệng, tăng cường sức đề kháng, tăng cường tập huấn tại các đơn vị điều trị và chuẩn bị cơ số thuốc, máy móc trang thiết bị tập huấn nhân lực để đối phó với dịch bệnh xảy ra và giảm thiểu tử vong.
Tuy nhiên tinh thần của Bộ vẫn phối hợp quyết liệt với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các tỉnh không để xảy ra dịch cúm gia cầm và không lan sang người, bằng cách chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng. Bởi vì đặc thù của bệnh này là không lây trực tiếp từ người sang người, vẫn có yếu tố bắt buộc lây từ gia cầm cho nên người dân cần tránh tiếp xúc đi vào các ổ dịch gia cầm, nhất là trẻ em hay người già có bệnh mãn tính, và khi phát hiện phải đến ngay các cơ sở y tế khám chữa bệnh và quan trọng nhất không ăn, tiếp xúc gia cầm bị bệnh. Đối với những chợ phát hiện ra cúm và lưu hành gia cầm sống, dứt khoát phải xử lý.
PV: Một câu hỏi người dân chuyển đến Bộ trưởng xin được trích nguyên văn: “Người dân chúng tôi rất vui mừng khi biết vừa qua, Bộ Y tế đã lập đường dây nóng tại các tuyến bệnh viện, Sở và Bộ. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết hiệu quả của đường dây nóng đó như thế nào? Có bao nhiêu phần trăm các ý kiến gọi đến phản ánh về y đức? Và với các trường hợp phản ánh tiêu cực đúng thì Bộ trưởng đã có biện pháp xử lý thế nào? Bộ trưởng có thể kể ra một số trường hợp xử lý cụ thể?”. Xin Bộ trưởng trả lời câu hỏi này của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đường dây nóng là một giải pháp mà Bộ Y tế đã làm rất thức thời, quyết liệt, để hạ hỏa ngay bức xúc của người dân khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Chúng tôi đã sơ kết hai tháng thực hiện đường dây nóng này và cho thấy rất hiệu quả, trong đó khoảng 50% cuộc gọi đến không đúng nội dung hoặc họ chỉ thử xem có đường dây nóng hay không, còn lại là 50% đúng nội dung. Trong 3 nội dung chúng tôi cần biết là phản ánh thái độ và quy trình, nếu có cán bộ làm việc tốt thì khen ngợi.
Trong số những cuộc gọi đúng nội dung thì có đến 40% phàn nàn về thái độ không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt. Ở đây tất cả các trường hợp ở dưới bệnh viện thì bệnh viện xử, Sở Y tế thì Sở xử ngay, nếu đến Bộ Y tế hoặc chúng tôi gọi điện trực tiếp xử lý, không thì có công văn để Sở Y tế xử lý.
Ví dụ như trường hợp một cháu ở địa phương đi tiêm chủng, nhưng không có vaccine cho về, thì qua đường dây nóng trực trên Bộ, Bộ Y tế gọi điện ngay xuống và cháu bé được tiêm ngay; hoặc trường hợp một cụ già ở bệnh viện tỉnh đến bác sỹ từ chối không khám chữa bệnh và trên đường dây nóng gọi điện ngay cho giám đốc bệnh viện đó tìm hiểu nguyên nhân và đưa cụ già đó vào khám bệnh ngay.
Hay một trường hợp bản thân tôi cũng đi kiểm tra trực Tết và có cụ phàn nàn trực tiếp và Cục quản lý khám chữa bệnh đã có ngay công văn gửi Sở Y tế và truy ngay được bác sỹ điều dưỡng hôm đó và tiến hành cảnh cáo trước toàn thể bệnh viện, chuyển công tác khác không được làm ở vị trí đó nữa.
Một trường hợp nữa là ở Bạc Liêu, sau hai lần phản ánh qua đường dây nóng hộ lý có nhận tiền của người bệnh đưa thì bị cho thôi việc. Và gần đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành bộ Thông tư về quy tắc ứng xử đối với các cán bộ làm công tác dịch vụ y tế và đây cũng là lần đầu tiên thái độ, quy tắc ứng xử văn hóa đạo đức nghề nghiệp được văn bản hóa dưới các văn bản dưới luật như vậy, để có cơ sở pháp lý cho giám đốc các bệnh viện có thể xử lý khen ngợi các cán bộ.
Đặc biệt hiện nay Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với nhà mạng Viettel phát cho mỗi bệnh viện một máy điện thoại di động cho các đồng chí giám đốc để cầm trực thay phiên nhau 24/24h. Tiếp đó giai đoạn hai, chúng tối sẽ tiếp tục thiết lập tổng đài di động để có thể tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi đến để xử lý và tiếp nhận ở mọi miền đất nước. Thứ 3, với các văn bản quy phạm pháp luật bằng khen thưởng cũng như kỉ luật trừ tiền lương trừ tiền thưởng, thậm chí là buộc thôi việc theo quy định hiện hành đối với những cán bộ sai phạm.
PV: Một câu hỏi nữa từ một người dân gửi đến Bộ trưởng: “Người dân chúng tôi rất ngại mỗi khi đi khám tại các bệnh viên, vì phải chen chúc, chờ đợi rất lâu, có khi mất cả ngày vẫn chưa được khám. Tôi nghĩ tình trạng quá tải tại các bệnh viên cũng là một phần nguyên nhân khiến một số y tá, bác sỹ mệt mỏi vì quá đông bệnh nhân và có thái độ không được ân cần. Vậy với cương vị người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng có kế hoạch cụ thể như thế nào để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện?”
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, Bộ Y tế đã trình Đề án và được Chính phủ phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện với nhiều giải pháp tổng hợp, cùng với đó cùng cần cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo đó, thứ nhất dứt khoát phải tăng thêm số giường bệnh, thứ hai chúng tôi đã xây dựng và triển khai Đề án vệ tinh, tức là các bệnh viện trên Trung ương chuyển giao kỹ thuật cao hiện đại cho 45 bệnh viện ở 32 tỉnh. Có nghĩa là sau thời gian 2 - 3 năm, 45 bệnh viện tỉnh này sẽ tự triển khai cái kỹ thuật đó và bệnh nhân vào không phải chuyển lên tuyến trên nữa.
Thứ 3 là về Đề án 1816 chuyển giao công nghệ từ tuyến trên xuống tuyến dưới để tuyến dưới tự làm. Vì thực tế người dân cũng không muốn đi xa phải chen chúc như vậy. Hiện nay rất nhiều bệnh viện tỉnh đã làm kỹ thuật cao như mổ tim can thiệp tim mạch ngay tại chỗ và mở rộng mạng lưới bác sỹ gia đình để chăm sóc đấy là lâu dài.
Hiện tại đối với những chỗ chờ bệnh viện lâu thì đúng là đi khám bệnh ngại thật, chính vì vậy Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313 cải thiện và mở rộng phòng khám, kê thêm khoa phòng khám bệnh và tăng cường bác sỹ khám sớm hơn, kết thúc sớm hơn và có thể lấy số thứ tự và hẹn giờ trên điện thoại và kê ghế được ngồi đàng hoàng, được hướng dẫn và có cửa riêng cho trẻ em dưới 6 tuổi… Nói chung là cải tổ toàn bộ và giảm bớt thủ tục từ 9 đến 12 chữ ký, để thanh toán bảo hiểm xã hội thì còn khoảng 6 chữ ký; tất cả xét nghiệm cố gắng lấy máu ngay tại nơi khám bệnh, để bệnh nhân không phải chạy đi chạy lại; dùng toa thuốc điện tử để bệnh nhân lấy thuốc nhanh, tính ra trung bình là giảm 40 phút có những nơi giảm 1 tiếng đồng hồ.
Chúng tôi cho rằng, bước đầu với việc ban hành Quyết định 1313 thì cải cách thủ tục hành chính, mở rộng khoa khám chữa bệnh và tăng cường các bác sỹ tăng giờ khám bệnh và bố trí một cách khoa học hơn sẽ góp phần giảm rõ rệt sự phiền hà và một số phòng khám bệnh cũng khang trang hơn không kém các nước xung quanh.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia chương trình.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi video dưới đây: