Bộ Y tế: "Dù kết quả dương tính nhưng cũng chưa phải điều trị nhiễm sán, trừ khi có biểu hiện bệnh"

PV-Thứ ba, ngày 19/03/2019 17:21 GMT+7

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - chia sẻ thông tin tại buổi họp báo chiều 19/3. (Ảnh: Trường Sơn/VTV24)

VTV.vn - Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, kết quả dương tính cũng chưa khẳng định phải điều trị nhiễm sán, trừ khi có biểu hiện bệnh ra ngoài.

Chia sẻ tại cuộc họp báo diễn ra chiều 19/3 tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh, trong máu cũng không thể khẳng định trong người có sán. Điều này đều ghi trong tài liệu cả trong và ngoài nước. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần chẩn đoán.

"Kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh cũng không thể khẳng định có ký sinh trùng sán trong cơ thể. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một phần góp phần vào trong công tác chẩn đoán" - ông Nguyễn Thanh Phong nói - "Vậy dương tính có phải điều trị? Theo pháp đồ điều trị của Bộ Y tế vào năm 2004, dù kết quả dương tính nhưng cũng chưa phải điều trị. Chỉ sau khi có biểu hiện đi ngoài có đốt sán, có nổi mụn hạch với ấu trùng, hoặc biểu hiện khác thì mới điều trị. Điều trị không khó khăn, thuốc không đắt".

Đối với các cháu có kết quả, chưa xét nghiệm, ông Phong đề nghị cán bộ nhà trường không những chỉ theo dõi ấu trùng, ký sinh trùng đường ruột, sức khỏe các cháu nói chung, nếu có bất thường thì báo để điều trị. Để phòng chống giun sán, ông Phong cho biết không chỉ ở trường học mà cả cộng đồng phải thực hiện nghiêm túc ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đó là những việc dễ làm để phòng ngừa các bệnh ký sinh trùng đường ruột, trong đó có giun sán.

Ông Phong cho rằng tuyệt đối không được bao biện thông tin nếu đó là vấn đề của cộng đồng thì các cơ quan chức năng phải quyết liệt giải quyết, không được đưa tin không chính xác gây hoang mang dư luận.

"Thời gian qua, Bộ đã có chỉ đạo trực tiếp từ giữa tháng 2. Trong một số kiến nghị về biện pháp xử lý, các thông tin phải minh bạch, kịp thời, khách quan và không bao biện. Sự việc như vậy thì phải đương đầu xử lý nhưng nếu không đúng vậy thì phải giải thích kịp thời, chính xác và khoa học. Vừa rồi chúng ta làm điều này chưa tốt, cung cấp thông tin không thống nhất.

Thứ hai là việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm ở trường Thanh Khương, sau đó tự nguyện đưa con, cháu đến cơ sở y tế để xét nghiệm, chúng ta phải thấy những lo lắng này là hết sức chính đáng. Kể cả tôi có con, không có chuyên môn mà ở tình huống như vậy thì tôi cũng rất lo. Nhưng rất tiếc khi thông tin xảy ra, chúng ta chưa kịp thời cung cấp.

Bắc Ninh đã xử lý rất nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế, các cá nhân có liên quan đều đã bị đình chỉ công tác. Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt và kịp thời", ông Nguyễn Thanh Phong kết luận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước