Từ đầu năm đến nay, chỉ tính tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 34 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Hầu hết những trường hợp ngộ độc và tử vong đều ở trên địa bàn thành phố.
Trước thực trạng này, Hà Nội đã ra quyết định quản lý hoạt động của các hộ này thông qua việc cấp phép cho các hộ nấu rượu cá thể. Tuy nhiên, nhiều hộ nấu rượu chưa thực sự có ý thức về vấn đề đảm bảo chất lượng.
Không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều dễ dàng nhận thấy tại các hộ nấu rượu ở xã Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội. Rượu được ủ tại các thùng nhựa, nơi nấu rượu đặt cạnh chuồng lợn, chủ hộ dường như không để ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả chỉ nhấn mạnh đến việc họ nấu rượu từ ngũ cốc, không sử dụng cồn công nghiệp methanol.
Cả xã Bích Hòa có khoảng 50 hộ nấu rượu, trung bình mỗi hộ một tháng nấu từ 40 - 100 lít rượu. Sau khi có hàng loạt các vụ ngộ độc rượu có methanol, chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ không được dừng việc nấu rượu để chính quyền kiểm tra về quy trình nấu rượu và các hộ sẽ phải tự mang đi kiểm nghiệm rượu trước khi lưu hành trên thị trường.
Nhiều hộ nấu rượu rất ủng hộ việc cấp phép và cho rằng điều này sẽ giữ thương hiệu của các làng nghề và các hộ nấu rượu truyền thống.
Đến thời điểm này, tức gần 1 tháng sau quyết định các hộ nấu rượu cá thể phải thực hiện kiểm nghiệm mẫu rượu tự nấu, tuy nhiên, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội mới nhận được 3 mẫu rượu tự nấu mang lên kiểm nghiệm để đăng ký chất lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!