Sáng 15/11, là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã đối diện với hàng loạt các câu hỏi về trách nhiệm đối với 5 dự án thua lỗ. Trong đó, đặc biệt có phần chất vấn của đại
biểu tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh xung quanh vấn đề này.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Tiến Sinh đã đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết rõ sai phạm của các cơ quan quản lý và sai phạm của chủ đầu tư đối với các siêu dự án lãng phí.
"Báo cáo về các siêu dự án lãng phí, Bộ trưởng có nói là không loại trừ hành vi vi phạm pháp luật. Có sai phạm trong công tác quản trị doanh nghiệp, có sai phạm trong quản lý" - đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi - "Tôi xin đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn những sai phạm. Đâu là trách nhiệm của cơ quan quản trị tại doanh nghiệp khi xây dựng các dự án kém hiệu quả, đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đầu tư tại doanh nghiệp. Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội và Chính phủ để khắc phục, không để lặp lại tình trạng con voi chui lọt lỗ kim như trong thời gian vừa qua".
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh
Trả lời đại biểu Sinh, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án rơi vào cảnh thua lỗ, không hiệu quả: "Một là tất cả các dự án này đều có quá trình triển khai, đầu tư kéo dài. Điểm chung cho tất cả các dự án này là đều rơi vào thời điểm thị trường thế giới có nhiều biến động, nên khi dự án kéo dài quá lâu, sẽ dẫn đến việc bị tác động mạnh vào các nội dung cũng như thực hiện dự án...".
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ hạn chế trong năng lực của các ban quản lý dự án, của các đối tượng trực tiếp được phân công giao nhiệm vụ thực hiện dự án; yếu kém trong năng lựctổ chức, đàm phán, ký kết và quản lý các hợp đồng để thực hiện dự án này.
"Tính cho đến nay, các dự án từ gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ, Ethanol, xăng sinh học, cũng như đạm Ninh Bình... đều có những tồn tại, vướng mắc, đó là hiệu quả kinh tế không còn. Giả sử các dự án đó đưa vào triển khai thực hiện, vận hành thương mại thì cũng không có đủ điều kiện để cạnh tranh. Thậm chí một số dự án doanh thu không bù đủ cho bên phí".
Về giải pháp xử lý đối với 5 siêu dự án trên, Bộ trưởng cho biết, Bộ đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu. Theo đó, việc xử lý dự án phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ tài sản của nhà nước, ví như bán dự án, cho thuê, cổ phần hóa, hoặc có thể tuyên bố phá sản.
Bộ trưởng cho biết, sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ nguyên nhân có sự vô tình hay cố tình, thậm chí cũng không loại trừ có việc cố tình làm sai. Tuy nhiên, Bộ cần tiếp tục có thời gian để hoàn tất công tác điều tra đánh giá. Bộ sẽ có báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ và Quốc hội về phương án để xử lý một cách triệt để, giải quyết dứt điểm, đồng thời cũng rút kinh nghiệm và xây dựng các phương án để tiếp tục khắc phục những tồn tại, kể cả về mặt pháp lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành cũng như của các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trong doanh nghiệp đó.
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu
Cũng đưa ra câu hỏi về vấn đề này, đại biểu tỉnh Nguyễn Lân Hiếu cho biết muốn biết ngoài
5 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng được Bộ Công Thương báo cáo, hiện nay trên thực tế còn bao nhiêu dự án có mức đầu tư lớn có nguy
cơ thất bại. Theo đó, trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định còn tiềm ẩn những dự án lớn bị thua lỗ, nhưng chính xác bao
nhiêu dự án ở những lĩnh vực nào, ngành nào và vai trò của từng bộ ngành ở
đâu, mức độ ra sao thì cần thời gian để báo cáo,
giải trình sau.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!