Việc TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương đồng loạt ra quân với mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ là câu chuyện được báo chí nói đến rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác của câu chuyện, chúng ta đều nhận thấy số người mưu sinh trên vỉa hè ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác là không hề nhỏ và họ thực sự gặp khó khăn khi vỉa hè lập lại trât tự.
Một số độc giả đã gửi tâm thư đến Báo điện tử VTV News chia sẻ: Gia đình tôi sống ở quận Hai Bà Trưng, gồm 3 thế hệ, 5 miệng ăn. Từ lâu mẹ và vợ chồng tôi mưu sinh trên vỉa hè để kiếm thu nhập nuôi cả gia đình. Mẹ tôi bán xôi buổi sáng, tôi bán nước vỉa hè còn chồng chạy xe ôm. Ngoài cháu lớn đang tuổi ăn, tuổi học, cháu nhỏ thường xuyên phải vào bệnh viện chưa trị. Nay chính quyền có chủ trương đòi lại vỉa hè, việc mưu sinh chỉ còn tính bằng ngày nên gia đình khá lo lắng.
Ngoài ra, một độc giả khác là chủ một cửa hàng mặt phố cho biết, cũng đồng tình với chủ trương của thành phố Hà Nội tuy nhiên cần thực hiện một cách công bằng để tránh trường hợp có cửa hàng được phép treo biển, để xe trên vỉa hè ngoài vạch quy định, có cửa hàng lại bị xử lý rất chặt, gây mất công bằng trên cùng một dãy phố.
Về vấn đề này, phóng viên VTV News đã trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng - ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Với vị trí ở Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông nghĩ sao về khía cạnh vừa nêu trên?
Lập lại trật tự đô thị nói chung và "giành lại vỉa hè" – cụm từ đang được báo chí nhắc đến nhiều thời gian qua là vấn đề rất cần thiết và quan trọng. Đây không chỉ là vấn đề xã hội mà còn lại vấn đề kinh tế, chính trị, liên quan đến cả xã hội, tùy theo loại đối tượng mà có hàng triệu người bị tác động.
Đây cũng là vấn đề mang tính công cộng, mang tính Nhà nước và mang tính pháfp lý nên động chạm đến quyền lợi của nhiều đối tượng khác nhau trong đó có những người từ trước đến nay mưu sinh trên vỉa hè.
Hiện chúng ta đang đặt mục tiêu là đường thông hè thoáng, đô thị văn minh, phố xá xanh sạch đẹp và đây là vấn đề rộng hơn, bao quát hơn nhiều so với việc giải quyết quyền lợi cho một số đối tượng đang mưu sinh trên hè phố.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, cần phải có đề án tổng thể cho vấn đề "giành lại vỉa hè" cho người đi bộ.
Xét về khía cạnh pháp lý, cần phải xem xét thấu đáo, rõ ràng và tách bạch rằng, những người nào mưu sinh trên hè phố đúng luật, người nào vi phạm pháp luật. Việc mưu sinh, thực hiện các hoạt động kinh tế trên đường phố được coi là việc làm khi nó tạo ra thu nhập nhưng không bị pháp luật cấm theo quy định của Bộ luật lao động. Việc mưu sinh ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác và vi phạm pháp luật thì không được công nhận.
Xét ở khía cạnh xã hội, tất cả người dân đều phải được Nhà nước, xã hội tạo điều kiện đảm bảo quyền mưu sinh. Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả khía cạnh để đảm bảo sự hài hòa của xã hội ta.
Điều 13 – Chương 2 – Bộ luật Lao động
Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm.
Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội.
Một số chuyên gia về đô thị cho rằng, không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè mà chỉ nên sắp xếp lại để hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh và một bên là trật tự, mỹ quan đô thị. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Xã hội cần sự văn minh, bộ mặt đô thị cần được đảm bảo mỹ quan, lòng lề đường cần có kỷ cương, trật tự. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, Nhà nước sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau và cũng không để ai vi phạm pháp luật hoặc dồn họ vào con đường vi phạm pháp luật. Đó là điều quan trọng nhất. Và do vậy, để đảm bảo hài hòa thì cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng và đánh giá toàn diện.
Cụ thể, không thể để một bộ phận lấy mác mưu sinh trên hè phố mà vi phạm pháp luật, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, an toàn trật tự xã hội. Chúng ta cần phải xem xét các vấn đề dựa trên các khía cạnh khác nhau: các hoạt động kinh tế trên vỉa hè nào có thể chấp nhận được, thời điểm, thời gian như thế nào có thể chấp nhận được và đối tượng nào có thể chấp nhận.
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói, nếu có hiện tượng bảo kê đứng sau hoạt động sinh kế thì sẽ không thể chấp nhận. Hoặc có những công trình lấn chiếm vỉa hè, cản trở giao thông, gây mất mỹ quan đô thị và không thể hài hòa được thì buộc phải kiên quyết dỡ bỏ như ở TP.HCM. Tôi cũng đồng tình với cách làm quyết liệt của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM khi việc lấn chiếm vỉa hè không thể hài hòa giữa vấn đề mưu sinh và trật tự đô thị nữa.
Giải bài toán vỉa hè không chỉ là giải bài toán kinh tế mà còn là bài toán nhân văn, nhất là với bà con nghèo, không có vốn, sống nhờ vỉa hè? Theo ông, liệu có một giải pháp khả thi nào để vừa giải quyết vấn đề mưu sinh cho một lượng lớn người tại các đô thi lớn khi vỉa hè được thu hồi dành cho người đi bộ?
Các cơ quan cần phải vào cuộc, xem xét đánh giá một cách kĩ lưỡng. Theo đó, ở tuyến phố nào cho phép kinh doanh, kinh doanh trong thời gian nào, vỉa hè loại nào cho kinh doanh toàn bộ, vỉa hè nào cho kinh doanh 50% hay 70% diện tích... Có nghĩa là phải tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Ngoài ra, cần phải có lực lượng giám sát vấn đề này tránh tình trạng bất công giữa những người sinh kế, tránh tình trạng người này được bảo kê, người kia được ưu tiên, người khác thì bị xâm phạm quyền mưu sinh hợp pháp.
Theo ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, có khu vực cấm hoàn toàn kinh doanh trên vỉa hè, có nơi cấm một nửa vỉa hè để dành lối cho người đi bộ, có nơi cho phép kinh doanh trên vỉa hè.
Phải bắt đầu từ tổ dân phố, địa bàn khu dân cư đến cấp phường, xã rồi quận, huyện thậm chí tỉnh, thành phố cần phải vào cuộc để nghiên cứu, quy định cụ thể các đối tượng, khu vực kinh doanh, thời điểm tổ chức các hoạt động kinh doanh, đánh giá tác động của các hoạt động mưu sinh trên khu vực đường phố. Trên địa bàn đô thị, cần có quy hoạch để bảo đảm sinh kế cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo - những gia đình chỉ dựa vào vỉa hè để sinh sống; có đối tượng không thể kinh doanh trên vỉa hè nữa, sẽ được tạo điều kiện chuyển ra kinh doanh ở chỗ khác phù hợp.
Mỗi tỉnh, thành phố, khu vực cần nghiên cứu xây dựng đề án về vấn đề sinh kế cho người bị ảnh hưởng khi lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, đồng thời kiên quyết xử lí các trường hợp vi phạm.
Đề án cần xem xét tổng thể các vấn đề không chỉ xem xét ở vấn đề kinh tế thông thường mà còn cả vấn đề xã hội, trợ cấp xã hội, bảo trợ xã hội. Tôi cho rằng có thể giao một cơ quan chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức xã hội liên quan để lập đề án, lập danh sách kĩ lưỡng các đối tượng chịu sự tác động của việc lấy lại lòng - lề đường trình Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân xem xét giải quyết, nhằm đảm bảo tính toàn diện và có cơ sở pháp lý.
Cùng với đó, cần có chỉ thị của cấp ủy, ví dụ như cấp ủy TP.HCM ra chỉ thị, bao gồm đầy đủ vấn đề, giao trách nhiệm cho cơ quan ban ngành cụ thể thực hiện. Theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu chính sách, chỉ đạo tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng cho tất cả các đô thị trên cả nước.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!