Những quán ăn vỉa hè như thế này sẽ không còn xuất hiện trên các con phố của Thủ đô
Sau những nỗ lực của toàn thành phố, người đi bộ tại Hà Nội đã có thể đi lại thong dong trên vỉa hè thay vì phải đi tràn xuống lòng đường như trước đây. Đặc biệt là sau ngày 10/3, hầu như các hộ kinh doanh, các quán ăn vỉa hè đã trả lại phần đường dành cho người đi bộ. Dạo quanh Hà Nội trong những ngày này, sẽ thấy đường phố Thủ đô rất sạch sẽ, thoáng đãng. Nhưng cũng có không ít người có cảm giác tiếc nuối khi tìm kiếm mỏi mắt cũng không còn thấy những quán ăn sáng vỉa hè thường ngày.
Chị Bích Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ cảm xúc: "Chủ trương đòi lại vỉa hè cho người đi bộ là đúng đắn, sẽ giúp Hà Nội đẹp và văn minh hơn trong mắt các du khách, người dân sinh sống tại Hà Nội khi tham gia giao thông cũng sẽ an toàn hơn. Mặc dù cảm thấy mừng nhưng tôi cũng thấy hơi tiếc nuối vì có rất nhiều hàng quán vỉa hè ngon, có tên tuổi hàng chục năm nay đã đóng cửa hoặc chuyển đi nơi khác".
Theo quan sát của PV, có rất nhiều quán ăn vỉa hè có tuổi đời gần chục năm, thậm chí chỉ cần nhắc tên là ai cũng nhận ra như mì gà tần Hàng Bồ, phở gà Hàng Buồm, cháo sườn chợ Đồng Xuân, bún riêu chị Mầu... cũng đã phải tạm nghỉ bán để tìm kiếm mặt bằng mới, thậm chí là dẹp tiệm.
Mặc dù nhiều thực khách tỏ ra tiếc nuối nhưng những chủ cửa hàng ăn uống vỉa hè không thể không nghỉ bán vì nếu còn tiếp tục bán sẽ bị phạt tiền, còn nếu thuê mặt bằng rộng thì lãi kiếm được không đủ ăn.
Chị Lộc - chủ quán bán bún riêu trên vỉa hè đường Duy Tân - cho hay: "Tôi đã ngồi ở vỉa hè đường Duy Tân bán bún riêu cua được gần 5 năm. Vì vỉa hè rộng rãi, có bóng cây, gần các công ty, cơ quan nên có rất nhiều khách quen. Từ ngày 10/3 đến nay, tôi đã tạm nghỉ bán để tìm kiếm mặt bằng mới nhưng khó quá, giá thuê thì cao mà lãi mỗi ngày bán chục bát bún không đủ để bù vào. Nhưng điều tôi lo ngại là khi chuyển sang cửa hàng mới liệu có còn đông khách như trước nữa không. Vì trước đây tôi ngồi bán ở vỉa hè nên không có địa chỉ rõ ràng, các khách quen ăn cũng sẽ không biết tôi chuyển về đâu để đến ăn".
Chị Phúc - chủ quán phở gà Hàng Buồm - cũng đã phải tạm đóng cửa quán trong mấy ngày qua chia sẻ nỗi lo: "Tôi bán phở gà ở vỉa hè trước cửa một quán cafe ở phố Hàng Buồm đã nhiều năm, mặc dù không có địa chỉ cụ thể nhưng luôn có khách tìm đúng chỗ này để ăn phở vì ngon miệng, hương vị bao lâu nay vẫn không đổi. Giờ nếu chuyển đi chỗ khác, tôi sợ sẽ mất hết khách quen, nhưng không thể không chuyển vì nếu tiếp tục bán trên vỉa hè sẽ bị phạt nặng".
Bên cạnh những chủ quán ăn vỉa hè lo lắng, tìm kiếm địa điểm mới để tiếp tục bán hàng, có những cửa hàng quyết định đóng cửa, nghỉ bán hẳn vì không biết chuyển đi đâu, mà nếu chuyển đi thì cũng không còn khách nữa.
Cô Mầu - chuyên bán bún riêu của trên phố Hàng Buồm - cho hay, ngay sau khi biết được thông tin toàn thành phố sẽ ra quân lấy lại vỉa hè từ 10/3, cô đã thông báo với các khách đến ăn là sẽ nghỉ hẳn, không bán hàng nữa và chuyển về quê sinh sống. Trước thông tin này, tất cả các khách ăn đều tỏ ra rất tiếc vì bún riêu của cô Mầu vốn được nhiều người biết đến là ngon, rẻ bao năm nay.
Nhiều thực khách tiếc nuối vì nhiều hàng quán vỉa hè quen thuộc đóng cửa
Thực tế, việc những quán ăn vỉa hè không còn xuất hiện nhiều trên đường phố Hà Nội khiến nhiều người tiếc nuối là điều dễ hiểu. Những món ăn ngon không kén chọn thực khách, giá rẻ nên những quán ăn vỉa hè vẫn luôn sống tốt mà không cần quảng cáo, thậm chí là mọc lên như nấm. Nhưng có lẽ, cả người bán lẫn người mua đều nên nhìn ra việc đi kèm với lợi nhuận, tiện lợi của những quán ăn vỉa hè chính là sự mất an toàn trong giao thông, mĩ quan đô thị mà thay đổi quan niệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!