Cái khó trong câu chuyện xây nhà vệ sinh công cộng không chỉ là của riêng đường sách TP.HCM. Ở TP.HCM hiện đang có hơn 200 nhà vệ sinh có thu phí, trong đó 155 nhà vệ sinh tập trung tại các địa điểm công cộng như: bến xe, chợ, khu du lịch. Con số này là quá ít so với tiêu chuẩn mỗi 500m ở trục chính nội đô và 800m ở đường vành đai phải có 1 nhà vệ sinh công cộng.
Nếu đã từng có dịp đi nước ngoài và sử dụng nhà vệ sinh công cộng, chắc hẳn người dân sẽ thấy rất quen thuộc với những hình ảnh nhà vệ sinh thông minh. Nhà vệ sinh thông minh này ra đời khi nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi lần chạm tay vào vật dụng trong nhà vệ sinh, bạn có nguy cơ bị lây nhiễm tới 200 con vi trùng.
Tại tỉnh Bình Dương, nhà vệ sinh không cần chạm tay đã ra đời. Đây chính là kết quả nghiên cứu đầu tiên mà Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam mang đến cho cộng đồng ngay trước khi có quyết định thành lập chính thức. Nghiên cứu sản xuất sản phẩm, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn chỉ là 2 trong số các mục tiêu của hiệp hội hiện có đến 134 thành viên chỉ sau 1 tuần ra mắt này.
Hiệp hội sẽ thành lập chi hội ở các tỉnh. Các chi hội này sẽ thống nhất quy chuẩn về thiết kế, vận hành… nhà vệ sinh mà hiệp hội đưa ra. Mong muốn của hiệp hội là sau nhiệm kỳ 5 năm, 50 - 60% nhà vệ sinh đạt chất lượng, quy chuẩn mà hiệp hội đưa ra sẽ được phủ sóng.
Sẽ cần thêm thời gian để theo dõi những kỳ vọng của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam có thành hiện thực không, nhưng rõ ràng chuyện nhà vệ sinh tưởng nhỏ mà không nhỏ. Trên thế giới thực tế đã có Ngày Nhà vệ sinh thế giới. Mới đây, tỷ phú nổi tiếng Bill Gates đã đưa ra chiến dịch kinh doanh toàn cầu về nhà vệ sinh không dùng nước và lọc nước tiểu thành nước rửa tay sau 7 năm nghiên cứu.
Được có nhà vệ sinh là một quyền, chúng ta hãy hành động để quyền đó được tôn trọng, do đó, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam - tại sao không?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!