Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể để làm rõ:
hành vi nào là tham nhũng và hành vi nào là vi phạm quy định về quản lý kinh tế
gây hậu quả nghiêm trọng. Khúc mắc này khiến cho các cơ quan tư pháp lúng túng
trong quá trình truy tố, xét xử các tội liên quan đến tham nhũng.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này rất cần được nghiên cứu,
bổ sung, hoàn thiện trong quá trình sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng.
Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và
các đồng phạm, với các tội danh cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và
trốn thuế, Huỳnh Thị Huỳnh Như đã bị tuyên án chung thân. Một mức án nghiêm
khắc cho hành vi này. Tuy nhiên, đây là mức án chưa làm yên lòng dư luận khi vụ
án này gây thiệt hại tới gần 5.000 tỷ đồng và có nhiều yếu tố để cấu thành tội
tham ô tham nhũng.
Có điều cơ quan chức năng lại chưa đủ căn cứ để chứng minh
bị cáo phạm tội này. Động cơ vụ lợi được hiểu là hành vi chiếm đoạt cho mục
đích cá nhân. Tuy nhiên, trong các vụ án thất thoát nghìn tỷ gần đây, nhiều đối
tượng chỉ bị khép vào tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và nhận mức án
vài chục năm đến chung thân. Trong khi đó, nếu là tham nhũng có thể sẽ bị tuyên
phạt tử hình.
Lý do vẫn nằm ở các quy định trong pháp luật hiện hành và
vấn đề này đã được nêu ra tại hội nghị lần thứ 11 Ban chỉ đạo Trung ương về
phòng chống tham nhũng vừa qua.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, đã đến lúc luật
pháp cần phải có những quy định phân biệt cụ thể rõ ràng hơn giữa tội danh tham
nhũng với các tội danh khác về kinh tế đơn thuần. Nếu không, tham nhũng vẫn sẽ nhảy
múa trên lưỡi gươm công lý và tội phạm tham nhũng vẫn sẽ có chỗ để ẩn náu và
tiếp tục thực hiện các hành vi bất minh, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!