Vừa qua, Công an TP Hà Nội có đề xuất lập khu riêng cho người bán hàng rong. Đây là thông tin đáng chú ý trong bối cảnh Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố đang quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè cũng như định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có thu nhập chính từ việc chiếm dụng vỉa hè phố để kinh doanh. Quan điểm của Quốc hội về đề xuất này như thế nào, thưa ông?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi thực sự rất băn khoăn về việc này. Chúng ta đã có các chợ rồi sao phải lập khu riêng cho người bán hàng rong? Hầu hết người bán hàng rong kinh doanh, mưu sinh mở mức độ nhỏ lẻ, vậy thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính như thế nào? Ngoài ra, họ là người "bán hàng rong" tức là có khách quen khắp nơi, nên thường đến tận nơi bán hàng, nếu thu gom họ vào một chỗ liệu có người mua không? Về vấn đề trên, cần phải nghiên cứu kỹ đặc điểm của các đối tượng này và tính khả thi, nếu không sẽ không hiệu quả.
Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ băn khoăn về đề xuất lập khu riêng cho người bán hàng rong. Ảnh: Khánh Nguyễn
Nhiều ý kiến cho rằng, bán hàng rong không phù hợp với mỹ quan đô thị, thậm chí vi phạm quy định về trật tự đô thị. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bán hàng rong là một nghề chính đáng, là nguồn thu nhập chủ yếu của các hộ gia đình lao động, và nhiều người thậm chí coi đó là ‘đặc sản" của Thủ đô. Là Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông nghĩ sao về những ý kiến này?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Trước đây, trong nền kinh tế kém phát triển, khi các loại hình dịch vụ chưa phát triển như hiện nay, việc bán hàng rong là loại hình đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thương mại đã rất phát triển, mặc dù vẫn còn có những người sử dụng hàng hóa, sản phẩm của người bán hàng rong, nhưng theo tôi cần hạn chế dần loại hình này.
Bởi vì, hàng hóa, sản phẩm bán rong, bán dạo vừa không có đủ cơ sở tin cậy, lại có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe, tính mạng của người dân và trật tự an toàn xã hội. Chúng ta cần tổ chức một nền thương mại hiện đại, an toàn cao vì quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhiều người bán hàng rong thừa nhận, dù biết vi phạm luật nhưng bắt buộc vẫn phải đi bán vì cuộc sống mưu sinh. Ảnh: Lê Cường
Vậy vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm từ các gánh hàng rong được quản lý ra sao? Ngoài mối lo ngại về an toàn với sức khỏe người dân, thời gian qua có một số người mạo danh để chèo kéo khách du lịch, bắt chẹt hay hét giá thậm chí là lừa người mua và khách du lịch. Vấn đề này nên được xử lý như nào, thưa ông?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Bên cạnh người bán hàng rong tử tế thì trên thực tế tôi cũng đã chứng kiến nhiều cảnh chèo kéo, thậm chí dọa khách, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài, để ép họ phải mua hàng. Đây là điều rất đáng bị lên án. Việt Nam cần xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện, không nên vin vào việc "mưu sinh" để làm mất hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam.
Còn vấn đề an toàn thực phẩm, quả thực rất khó quản lý do đặc điểm của bán hàng rong là di chuyển liên tục, đủ loại mặt hàng, nguồn gốc không thể xác định được ngay. Vì vậy, rất khó quản lý, không có lực lượng nào có thể đi theo sát người bán hàng rong được.
Vậy theo luật, bán hàng rong như thế nào là vi phạm? Do đặc tính phải đi rong ruổi các con đường để bán hàng tận nơi cho khách hàng nên gần như chắc chắn những người bán hàng rong không muốn vào chợ. Mà thực tế việc bán hàng rong cũng xuất phát từ chính thói quen của người mua vì muốn tiện lợi, thích mặc cả rẻ, muốn mua đồ tươi, sạch ngay trong ngày… Trong thời gian tới liệu có nên loại bỏ những thói quen này?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Nói một cách chung nhất, người bán hàng rong bị coi là vi phạm nếu thực hiện hành vi bị pháp luật cấm hoặc gây hậu quả cho người tiêu dùng và cho xã hội. Ví dụ như buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; cản trở/gây tai nạn giao thông; vi phạm quy định về bảo vệ môi trường;… Thói quen tốt thì cần gìn giữ nhưng thói quen không tốt thì cần loại bỏ, chấn chỉnh vì quyền lợi người dân và toàn xã hội.
Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác cần một giải pháp căn cơ để xử lý việc bán hang rong. Ảnh: Lê Cường
Từ lâu, nhiều người bán hàng rong cũng thừa nhận bán ở những khu vực đông dân cư gây ùn tắc giao thông cũng như vi phạm luật lệ và thường xuyên bị các lực lượng chức năng nhắc nhở, thậm chí là đuổi bắt, thu giữ hàng. Nhưng vì vấn đề mưu sinh, họ buộc phải tiếp tục công việc. Vậy có giải pháp nào để vừa hài hòa việc đáp ứng nhu cầu thu nhập chính đáng của một bộ phận người lao động, vừa tạo hình ảnh đẹp, thanh lịch giữa Thủ đô trong thời gian tới, nhất là khi vấn đề đòi lại vỉa hè cho người đi bộ đang được thực hiện quyết liệt và Hà Nội muốn tạo dựng một hình ảnh mới về thành phố du lịch?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Bán hàng rong là một loại hình sinh kế, song phải theo pháp luật. Việc bán hàng rong là rất khó quản lý, và như trên tôi đã nêu, còn tiềm ẩn nguy cơ cho người tiêu dùng và cho xã hội.
Bản thân người bán hàng rong cũng đã thừa nhận sự vi phạm và hậu quả xấu của hoạt động này đối với xã hội. Vì thế, cần hạn chế và dần loại bỏ. Tuy nhiên, với những người do nhiều nguyên nhân mà việc bán hàng rong là sinh kế chủ yếu thì tùy trường hợp cụ thể chúng ta cần nghiên cứu tạo điều kiện cho họ tham gia các hoạt động để bảo đảm đời sống.
Nói như vậy có nghĩa là phải đánh giá đầy đủ, chính xác đối tượng, tránh nhầm lẫn và bất công bằng, đồng thời không phải là đầu tư không có điều kiện cho những người bán rong. Mỗi người phải có trách nhiệm đối với bản thân trước khi nhờ vào sự trợ giúp của xã hội để duy trì cuộc sống.
Vấn đề này, chúng ta cần một giải pháp căn cơ để xử lý việc bán hàng rong như là một cái "không có căn cơ" của xã hội hiện nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!