Từ đầu năm 2017 đến nay, số trẻ mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số 9 quận, huyện của thành phố, quận Ô Môn có số trẻ mắc tăng cao nhất, 9 tháng tăng 78,7% so với cùng kỳ 2016; tiếp theo là huyện Phong Điền tăng 38,2%, Thới Lai tăng 34,9%, Ninh Kiều tăng 14,4%... Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị gần 100 ca mắc tay chân miệng, phần lớn là trẻ em từ 2 - 3 tuổi đến từ Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang...
Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, so với những năm trước, những tháng đầu năm 2017, số bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện điều trị với lứa tuổi rất nhỏ, thậm chí có nhiều bệnh nhi chỉ 7 - 8 tháng tuổi. Đặc biệt, nhiều bệnh nhi có thời gian chuyển từ bệnh nhẹ sang nặng khá nhanh, có bệnh nhi khi chưa nổi bóng nước trên cơ thể thì bệnh đã chuyển sang mức độ nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, trẻ mắc tay chân miệng thường có biểu hiện sốt rất cao, sốt liên tục 39-41 độ C; nhịp thở của trẻ nhanh hơn bình thường, thở gấp, khò khè và nghe tiếng rít, đó là biểu hiện của suy hô hấp. Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện trên cần đưa ngay đến cơ sở y tế để bác sĩ chăm sóc, điều trị kịp thời. Để phòng, chống bệnh, ngành Y tế Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh hiệu quả như vệ sinh sạch sẽ sàn nhà, nơi các bé học tập và sinh hoạt; rửa tay thường xuyên với xà phòng (cả người lớn và trẻ em)...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!