Nhiều loại nước rửa tay trôi nổi trên thị trường được sản xuất không đúng tiêu chuẩn, không được kiểm nghiệm chất lượng
Nhằm phòng dịch COVID-19, Bộ Y tế liên tục khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài việc đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người bị ho, sốt thì việc vệ sinh đôi bàn tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn là một trong những biện pháp phòng bệnh quan trọng.
Tuy nhiên, trước nhu cầu tăng cao của thị trường, nhiều loại nước rửa tay sát khuẩn không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng cũng như thành phần xuất hiện trôi nổi. Một số cơ sở sản xuất đã làm giả, làm nhái các dung dịch sát khuẩn đem bán ra thị trường.
BS Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng, đỏ mẩn, bong tróc, ngứa... Nhiều bệnh nhân cho biết những ngày qua có sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn mua trôi nổi trên thị trường hoặc dùng loại dung dịch tự pha chế để sát khuẩn tay ngừa dịch COVID-19. Dù không thể khẳng định có phải do bệnh nhân sử dụng nước rửa tay nhanh hay không vì phải có kiểm nghiệm lâm sàng hoặc xét nghiệm đặc hiệu, nhưng việc sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng kiểm định có thể ảnh hưởng đến da tay và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Với những dung dịch rửa tay nhanh có nồng độ cồn quá thấp (dưới 60 độ) thì không có tác dụng diệt khuẩn hoặc tác dụng diệt khuẩn quá thấp. Trong khi đó, nếu nồng độ cồn quá cao (90 độ) thì sẽ làm đông, vón cục lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus làm giảm tác dụng diệt khuẩn.
Thậm chí nhiều trường hợp vì không mua được dung dịch rửa tay nhanh nên đã mua dung dịch cồn về rửa tay. Cồn 70 độ tuy có tác dụng diệt khuẩn nhưng lại không có chất làm mềm nên dùng lâu, dùng nhiều, tay dễ bị dị ứng, kích ứng; với cồn 90 độ sau khi thoa sẽ bay hơi rất nhanh, không đủ thời gian diệt vi khuẩn. Còn với dung dịch sát khuẩn đạt chuẩn sẽ diệt được phần lớn vi sinh vật bám trên bề mặt da. Đa số các loại nước sát khuẩn có hương vị dễ chịu. Loại dung dịch này không gây kích ứng da (như đỏ da, khô, tróc vảy da, ngứa), có thể làm mềm da. Khi một lượng nhỏ dung dịch sát khuẩn vô tình bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thực phẩm thì không gây nguy hiểm.
Chuyên gia y tế cho biết, người dân sử dụng phải dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn 2 nguy cơ thường gặp: dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng, thức ăn.
Việc sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh nói chung và dịch bệnh COVID-19 nói riêng, người dân nên chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay ở những cơ sở sản xuất có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng. Chú ý lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn các vật dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn phím máy tính, điện thoại... Bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh khác nhau. Do vậy, việc rửa tay thường quy và đúng cách có thể làm giảm đáng kể khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh cho bản thân. Để phòng bệnh từ đôi bàn tay, không nên lạm dụng dung dịch sát khuẩn mà nên rửa tay đúng cách, rửa nhiều lần trong ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!