Trước đây, với chủ trương cho khai thác, tận thu vàng sa khoáng ở những vùng lòng hồ trước khi làm thủy điện, đã biến huyện Tương Dương trở thành một đại công trường khai thác vàng. Hoạt động khai thác vàng đã để lại rất nhiều hệ lụy đến nay vẫn còn đeo đẳng mỗi gia đình, từng làng bản.
Năm 2008, nhân dân bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh đã từng kéo lên đỉnh Pu Phen xô xát, đập phá máy móc, tài sản của Công ty CP xây dựng và thương mại tổng hợp Thủ Đô - doanh nghiệp khi đó được cấp phép thăm dò khai thác. Đã có những người dân vướng vào vòng lao lý và một số cán bộ chủ chốt trong Đảng ủy, chính quyền xã cũng phải nhận các hình thức kỷ luật vì không kiểm soát được vụ việc này. Vì vậy, quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho công ty trở lại khai thác vàng trong 15 năm tới khiến nhân dân rất bức xúc và không đồng tình.
Địa hình huyện Tương Dương chủ yếu là đồi núi, đất dốc. Gần 10 năm qua, nhân dân địa phương đã phải hy sinh rất nhiều khi nhường đất sản xuất để xây dựng 5 nhà máy thủy điện. Vì vậy, nếu mất thêm 127ha cho doanh nghiệp khai thác vàng là lại thêm sự bất ổn cho nhân dân địa phương.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản với những điều kiện cam kết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế những hệ lụy nhân dân Tương Dương đã phải trải qua trong những năm gần đây liệu có nên tiếp tục cấp phép khai thác vàng dài hạn như vậy hay không? Mất đất sản xuất, ô nhiễm môi trường và mất đi cả sự yên bình của các bản làng do tệ nạn xã hội chưa đáng lo bằng việc mất niềm tin của nhân dân nếu tiếp tục cho doanh nghiệp trở lại khai thác vàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!