Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành phương án cắt giảm 675 trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh (giấy phép con) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ này. Đây là con số cắt giảm lớn nhất trong lịch sử cắt giảm giấy phép con trong thời gian qua của các Bộ ngành và cao hơn dự kiến, cũng như đề xuất ban đầu với 63 điều kiện kinh doanh.
Quyết tâm của Bộ Công Thương không chỉ là một tín hiệu tốt cho các Bộ ngành khác mà còn mở ra cơ hội trong việc thay đổi cách thức quản lý nhà nước dựa trên phân tích rủi ro của đối tượng quản lý, mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; qua đó khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt để không bị kiểm tra.
Tập đoàn Kangaroo đã nhiều lần kiến nghị bỏ những giấy phép con đang gây cản trở khó khăn đến nhượng quyền thương mại, logistics và dán tem năng lượng. Chỉ riêng việc dán tem năng lượng, doanh nghiệp phải mang sản phẩm đến các Bộ ngành để thẩm định đạt điều kiện lưu thông ra thị trường và dán từng cái tem trên hàng triệu sản phẩm mỗi năm, khiến tăng chi phí, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.
Về phần các chuyên gia kinh tế, động thái cắt giảm tới 55% số giấy phép con của Bộ Công Thương được xem là hành động dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi mơ hồ lâu này của nhiều Bộ ngành về buông lỏng quản lý nhà nước khi bị tước bỏ các giấy phép con. Ngoài ra, đây cũng là tín hiệu cho các bộ ngành còn chần chừ trong cắt giảm.
Tuy nhiên, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh mới là phương án cắt giảm của Bộ Công Thương. Để việc cắt giảm này trở thành hiện thực, đòi hỏi Bộ Công Thương phải đẩy nhanh tiến trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh của Bộ này. Người đứng đầu Bộ Công Thương cam kết, ngoài việc thúc đẩy, Bộ cũng sẽ tiếp tục cải cách các điều kiện kinh doanh còn lại.
Cắt giảm mạnh giấy phép con cũng là cơ hội để các Bộ ngành thay đổi cách quản lý nhà nước lâu nay vốn dựa trên tư duy sở hữu, kiểm soát, kiềm chế sang dựa trên phân tích rủi ro của đối tượng quản lý. Cụ thể, cách quản lý nhà nước mới này sẽ theo hướng điều tiết, thúc đẩy, hỗ trợ và khuyến khích các DN làm tốt để không bị kiểm tra nhiều. Qua đó, các bộ ngành có thể tập trung việc quản lý của mình vào các DN, mặt hàng, lĩnh vực có độ rủi ro cao với xã hội. Đây cũng là cách thức quản lý nhà nước tiên tiến, phù hợp với tiến trình hội nhập của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!