Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ

Đỗ Thủy (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ ba, ngày 21/10/2014 16:36 GMT+7

Ảnh minh họa

Sáng nay (21/10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”.

Kể từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo hướng gia tăng sản lượng còn diện tích hầu như không thay đổi. Sự gia tăng sản lượng liên tục đã giúp Việt Nam nâng mức xuất khẩu gạo từ xấp xỉ 2 triệu tấn năm 1995 lên tới gần 3,7 triệu tấn trong năm 2012. Tuy nhiên, tăng về sản lượng lại chưa đủ để giúp nông dân trồng lúa có thu nhập ổn định. Hơn 93% nông dân phải bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái. Số nông dân tham gia sản xuất theo hợp đồng mới chỉ đạt khoảng 5-10%.

Kết quả một cuộc điều tra năm 2011 cho thấy, với diện tích bình quân 3,3 ha/hộ, thu nhập hàng năm của hộ trồng lúa chỉ đạt 27 triệu đồng. Như vậy, mỗi người lao động chỉ được 550.000 đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập từ các cây trồng khác. Trong khi đó, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, ngay cả với kịch bản xấu nhất là năng suất lúa đạt 5,8 tấn/ha thì với diện tích đất lúa chỉ là 3 triệu ha, Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực và dư thừa cho xuất khẩu.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã ủng hộ quan điểm linh hoạt quỹ đất trồng lúa. Theo đó, thay vì cứng nhắc giữ 3,8 triệu ha đất lúa thì Chính phủ nên chia quỹ đất này làm hai. Một phần chuyên lúa với sự đầu tư lớn để tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Phần còn lại có thể linh hoạt chuyển đổi sang các cây trồng khác theo nhu cầu thị trường để tăng thu nhập cho nông dân.

Một khuyến nghị khác là Chính phủ nên bỏ quy định đảm bảo nông dân có lãi tối thiểu 30% bởi các doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng dựa trên quy định này, đàm phán giá bán gạo thấp và quay trở lại ép giá nông dân. Như vậy, chúng ta sẽ thiệt hại bởi không xuất khẩu được gạo giá cao và cũng triệt tiêu luôn mong muốn chuyển dịch sang trồng lúa chất lượng cao của nông dân.

Cũng theo các chuyên gia, cần có sự điều chỉnh Nghị định 109 theo hướng bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phải được giám sát chặt chẽ, tránh hiện tượng nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký hợp tác với nông dân cho đủ điều kiện để được xuất khẩu gạo.

Về phía nông dân, nếu không có những tổ chức thực sự đại diện cho quyền lợi của những người trồng lúa thì chuyện bị ép giá sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước