Phân giả... “nhiễu loạn” thị trường
Ông Tống Công Bằng ở xã Bơ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mới đây có mua 15 bao phân bón vôi lân Địa Long tại một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở địa phương. Khi bón cho hồ tiêu ông mới phát hiện số phân bón này bị làm giả, nếu bón nhiều không chỉ làm cây hồ tiêu không phát triển được mà còn làm thoái hóa đất.
Không chỉ có gia đình ông Bằng, mà nhiều hộ dân ở các địa phương khác ở Tây Nguyên cũng đã dùng phải loại phân bón bị làm giả nhãn hiệu Địa Long, khiến nhiều ha cao su và hồ tiêu bị chết.
Ông Tống Công Bằng, xã Bơ Ngoong huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai nói: “Chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để ngăn chặn nạn việc làm giả phân bón, bảo vệ quyền lợi của nông dân”.
‘ Người dân trộn phân chuẩn bị bón cho cây trồng (Ảnh minh họa)
Bị làm giả là tình trạng khá phổ biến của những thương hiệu phân bón đang có sức tiêu thụ lớn trên thị trường hiện nay. Để hạn chế việc bị làm giả, doanh nghiệp Địa Long đã phải tổ chức một hệ thống đại lý bán hàng đến tận các buôn làng vùng sâu vùng xa. Thậm chí, doanh nghiệp này đã tổ chức nhiều cuộc phổ biến cho nông dân cách phân biệt phân bón giả, thế nhưng không ít nông dân vẫn mua phải phân bón vôi lân Địa Long giả.
Đầu tư để tạo những vỏ bao có đặc điểm chống giả cao, sử dụng lớp bọc nilon sử dụng một lần hay trao thưởng cho người phát hiện phân bón không đúng chủng loại trên thị trường… là hàng loạt các biện pháp mà nhiều công ty sản suất phân bón có sản lượng lớn buộc phải áp dụng, để chống chọi lại với nạn phân bón giả. Đại diện nhiều doanh nghiệp phân bón cho rằng, có thể sẽ tốn kém nhưng đây là việc cần phải làm trong thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Nghi, Phó TGĐ công ty cổ phần Vinamcam, cho biết: “Theo tôi,cái gì cũng có thể làm giả được nhưng với những công nghệ mới, doanh nghiệp phải đầu tư tốn kém nên các đối tượng làm giả khó có thể bắt chước được”.
... doanh nghiệp lên tiếng
Theo các cơ quan chức năng, tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đang hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất chân chính và quyền lợi của bà con nông dân. Tuy nhiên, số vụ bị bắt giữ lại rất hạn chế. Từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 4.500 vụ vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón, tịch thu gần 300 nghìn kg phân bón các loại.
“Có những lọai phân bón đối tượng bán với số lượng lớn, với sự móc nối trong và ngoài nước. Có những loại đối tượng bán lẻ sang bao, hoặc sản xất ở vùng sâu vùng xa nơi có thể trốn tránh được sự kiểm soát của lực lượng chức năng”, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường phản ánh.
Hiện nay, trong số hơn 500 cơ sở sản xuất phân bón đang hoạt động trên toàn quốc, phần lớn chỉ được trang bị phương tiện sản xuất đáng giá vài chục triệu đồng nhưng vẫn được cấp phép hoạt động. Đó cũng là nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
“Việc cấp giấy phép sản xuất phân bón bây giờ chúng tôi đề nghị là nên đưa cho Bộ Công thương. Vì Bộ Công thương, phía dưới là các Sở Công thương có lực lượng luôn luôn kiểm tra hoạt động kinh doanh, thị trường nên sẽ khác hơn. Bộ KH&ĐT không có hệ thống này, vì vậy việc cấp phép vừa qua gây nên những bức xúc của người dân. Đấy cũng là kẽ hở để cho những người định làm ăn gian dối lợi dụng”, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam nói.
Ông Hoàng Văn Tại, Giám đốc công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển cũng cho biết thêm: “Chúng ta cấp phép quá dễ và quản lý theo kiểu hậu kiểm nên không kiểm soát được. Ngay trong những văn bản pháp lý cũng chưa định nghĩa chuẩn thế nào là phân bón”.
Cũng theo nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón, việc để hàng giả phân bón xuất hiện nhiều trên thị trường cũng xuất phát từ việc thiếu những quy định trong các văn bản pháp lý. Và cũng chính từ những kẽ hở này đã điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ cố tình vi phạm, gây ra sự thiếu minh bạch trong thị trường sản xuất phân bón hiện nay.