Chi phí Logistics và vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng: Những hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 22/04/2018 10:14 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ đang tiếp tục thể hiện sự quyết liệt trong việc tháo gỡ những rào cản để giải phóng sức sản xuất ở hai lĩnh vực rất quan trọng là Logistics và đầu tư xây dựng.

Trong tuần qua, có thể thấy Chính phủ đang tiếp tục thể hiện sự quyết liệt trong việc tháo gỡ những rào cản để giải phóng sức sản xuất ở hai lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế đó là Logistics và đầu tư xây dựng. Trên trang nhất của nhiều tờ báo đã nhấn mạnh tới thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng chi phí Logistics chiếm tỉ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, cạnh tranh của đất nước xuống thấp?

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã dẫn chứng rằng chi phí Logistics của Việt Nam tương đương 20.9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60%, tức là gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển. Chỉ với quãng đường ngắn mà chi phí đã bị đội lên cao như vậy, thì có lẽ với quãng đường càng dài, chi phí lại đội lên càng cao. Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải hạ chi phí Logistics xuống còn 16 đến 20% GDP, tức là sẽ bằng với Thái Lan.

Báo Đại đoàn kết nhận định đây là mục tiêu khó chứ không phải dễ dàng. Trước mắt cần tăng cường sử dụng đường sắt và đường thủy vì 2 loại hình này chi phí thấp hơn, không ô nhiễm môi trường. Trong 30 – 40 năm nay, Việt Nam đã bỏ quên không phát triển đường sắt, còn hàng hải thì dặt dẹo sau vụ Vinalines. Đây là vấn đề phải nhìn nhận và cân đối, phân bổ lại.

Cũng trong tuần vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một Hội nghị lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng. Và đây cũng là lý do khiến cho cụm từ "bôi trơn" xuất hiện nhiều trên mặt báo những ngày cuối tuần.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra nạn tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dự án, phê duyệt, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu đều có hình bóng của tiêu cực.

Nhìn chung, chi phí Logistics cao hay những vướng mắc trong đầu tư xây dựng đang làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải chấm dứt tình trạng vô lý, vô trách nhiệm, vô cảm và vô thời hạn trong tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sau những chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã cam kết cắt giảm, đơn giản 384/570 điều kiện kinh doanh, tương đương 67% các quy định, tức là còn cao hơn cả thành tích 50% mà Bộ Công thương năm 2017 đã làm được. Tờ Diễn đàn doanh nghiệp cho rằng điều này hứa hẹn "mở đường" cho một thị trường cạnh tranh hơn, thu hút nguồn lực đầu tư lớn, và tạo thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không, cũng như đường sắt, đường bộ, đường thuỷ.

Điều này làm doanh nghiệp nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào lĩnh vực nhiều tiềm năng, song cũng lắm rủi ro này. Nỗ lực cởi trói điều kiện kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí, giải phóng sức cạnh tranh, tăng cơ hội gia nhập thị trường, mà còn giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.

Giảm chi phí logistics - Nhiệm vụ tối quan trọng Giảm chi phí logistics - Nhiệm vụ tối quan trọng

VTV.vn - Giảm chi phí logistics là nhiệm vụ tối quan trọng trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước