Phát biểu trước đại diện của các cơ quan Đảng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững vào chiều nay (5/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như tạo cơ hội học tập cho mọi người dân để Việt Nam có thể vừa nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, vừa sẵn sàng thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chủ đề của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững của năm nay là nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ) trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cả 17 mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đưa ra vào năm 2015 để thực hiện đến năm 2030 đều liên quan đến doanh nghiệp.
Hiện đã có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam mới chỉ thực hiện một số tiêu chí trong 17 tiêu chí về phát triển bền vững như tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, nước sạch, an toàn và vệ sinh môi trường, đã giúp công ty này tăng được năng suất và sức cạnh tranh hơn. Vì theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn - không có rác thải, mọi phụ phẩm của công ty, hay nước thải đều được tái chế hoặc để sản xuất năng lượng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững không đơn giản chỉ là thay đổi tên mà phải xuất phát từ nội hàm sâu sắc, cũng như từ việc thay đổi tư duy và nhận thức về phát triển kinh tế. Bởi có những nước tăng trưởng kinh tế cao, nhưng không phải người nào cũng hưởng lợi. Thậm chí, có những nước có mức thu nhập bình quân tính theo đầu người khá cao nhưng không phải nhóm người nào cũng được hưởng lợi. Tình trạng phân hóa giàu nghèo gay gắt ngày càng gia tăng giữa các nhóm người và vùng miền là mầm mống của bất mãn và căng thẳng trong xã hội.
Thủ tướng khẳng định, 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đã được cụ thể hóa bằng 168 tiêu chí, cũng chính là khát vọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ một nước có mức thu nhập trung bình với gần 2.400 USD, Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước có mức thu nhập trung bình gần cao trong 2 thập kỷ tới.
Thủ tướng khẳng định, phát triển bền vững là một mục tiêu bao trùm không phải là của một bộ, một ngành, một lĩnh vực. Không chỉ là phát triển kinh tế, chất lượng tăng trưởng còn bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người. Vì vậy, cần thống nhất trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành chỉ tiêu và lộ trình thực hiện, hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, đi cùng với kiểm tra, đôn đốc kịp thời.
Một giải pháp nữa để phát triển nhanh và bền vững cũng được Thủ tướng cam kết thực hiện đó là cải cách thể chế chính sách pháp luật để phát huy hết tiềm năng của mọi người dân, để mọi người cùng chung tay xây dựng một xã hội Việt Nam thịnh vượng. Điểm mấu chốt trong những giải pháp này là Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về phát triển bền vững và trung tuần tháng này, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về cách mạng 4.0 ở Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, còn đường phía trước của Việt Nam còn dài, nên đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa nâng cao sức cạnh tranh, vừa phải nỗ lực để xây dựng thể chế chính sách pháp luật vững mạnh cùng với môi trường sống trong lành để mọi người dân Việt Nam có thể tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!