Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với Chủ tịch WEF Klaus Schwab dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Ảnh: Chinhphu.vn
Rạng sáng nay (19/1) theo giờ Việt Nam, tức tối 18/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại kéo dài hơn 2 tiếng với lãnh đạo của 17 ngân hàng, quỹ đầu tư và doanh nghiệp thành viên của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong lĩnh vực tài chính. Đây cũng là các doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một ví dụ cụ thể về sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, đó là Quỹ đầu tư VinaCapital cách đây 13 năm bắt đầu đầu tư với 10 triệu USD vào Việt Nam và bây giờ Quỹ này đã có số vốn lên đến 3 tỷ USD. Cùng với 22.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác đang làm ăn ở Việt Nam đã cho thấy môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế này, Việt Nam coi thể chế rất quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo nhiều tập đoàn bày tỏ sự quan tâm về việc Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa lĩnh vực ngân hàng cho các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào; cũng như mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donal Trump chuẩn bị nhậm chức...
Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp công nghệ thông tin
Cũng trong sáng nay (19/1) theo giờ địa phương, tức chiều nay theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành viên của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp CNTT
Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 3 lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và công nghệ thông tin. Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa chọn Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 trong 10 thành phố năng động, sáng tạo nhất thế giới, còn Hà Nội đứng thứ 8.
Thủ tướng khẳng định quyết tâm đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong tốp đầu 10 nước trên thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo của nhiều tập đoàn đã chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cao cải cách và tăng cường minh bạch. Một số doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm tới những thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Lãnh đạo Tập đoàn Semen của Đức đề xuất hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo thực tập sinh về công nghệ số.
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, năm nay, Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC, trong đó có chương trình ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về công nghệ thông tin là một động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu. Do vậy, Thủ tướng hoan nghênh các nhà doanh nghiệp đến với Việt Nam cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và cùng thịnh vượng.
Định hình sản xuất cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Cũng trong chiều nay (19/1), phát biểu trước các nhà doanh nghiệp tham dự phiên thảo luận về định hình tương lai hệ thống sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững.
Định hình sản xuất cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và ngành chế tạo sẽ là động lực chủ yếu của tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, những nước như Việt Nam đang tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia và đặt mục tiêu sau 4 năm nữa sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp, hỗ trợ khoảng 600 doanh nghiệp với 2.000 dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, để không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cũng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đi cùng với đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở trong nước.
Quan hệ Áo - Việt Nam phát triển rất tốt đẹp
Cũng trong tối qua (19/1), tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Áo Christian Kern, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Quan hệ giữa Áo và Việt Nam đang phát triển rất tốt đẹp.
Thủ tướng hội kiến với Thủ tướng Áo
Hai Thủ tướng nhất trí việc hai nước sẽ sớm họp Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại, triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thủ tướng Áo sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, cũng như thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Áo ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
ADB tiếp tục cho Việt Nam vay ưu đãi thêm 2 năm
Tại cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á - ông Takehiko Nakao - chính thức thông báo: định chế tài chính quốc tế này sẽ kéo dài thời gian cho Việt Nam vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất và không phải trả nợ nhanh. Thời gian kéo dài thêm hai năm nữa, tức là đến năm 2019, chứ không phải năm 2017 như quy định sau khi Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập bình quân đầu người trên trung bình.
ADB tiếp tục cho Việt Nam vay ưu đãi thêm 2 năm
Ông Tahehiko Nakao cũng nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, và giảm nghèo từ nay đến năm 2020. ADB cũng cam kết phối hợp với các nước thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng chuẩn bị tốt cho Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng lần 6 tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: ADB tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư trong hợp tác tiểu vùng Mekong. Thủ tướng cũng mời Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á và Lãnh đạo ADB tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới đây tại Đà Nẵng và các hội nghị liên quan của APEC trong năm nay ở Việt Nam.
Microsoft muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam
Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bradford Smith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Tập đoàn này tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, gắn với chuyển giao công nghệ cao.
Microsoft muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mời Chủ tịch tập đoàn Microsoft tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC vào tháng 11 tới đây tại Đà Nẵng. Ông Bradford Smith cho biết: Tập đoàn đang hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm, và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghiệp phần mềm.
Chủ tịch Tập đoàn Alibaba đánh giá cao thị trường Việt Nam
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc Jack Ma, người mà Thủ tướng đã nhắc đến như một hình mẫu thành công về nghành công nghiệp công nghệ cao trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 9 vừa qua và là hình mẫu về khởi nghiệp thành công khi Thủ tướng phát động Chương trình thanh niên khởi nghiệp.
Thủ tướng gặp lãnh đạo Alibaba
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa khẳng định Jack Ma là tấm gương sáng về khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, đồng thời đề nghị ông sớm sang thăm Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và khích lệ giới trẻ Việt Nam khởi nghiệp sáng tạo thành công, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma đánh giá Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng với dân số trẻ và cho biết Tập đoàn Alibaba đang xây dựng kế hoạch hợp tác với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực công nghệ số.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh doanh, đầu tư.
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Viện nghiên cứu Malik
Trước đó, tại buổi tiếp Giáo sư Fred-mund Malik, Chủ tịch Viện nghiên cứu Malik, Thủ tướng đề nghị: Giáo sư và Viện Malik tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng quản trị hiện đại cho cán bộ các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam.
Thủ tướng tiếp Chủ tịch viện nghiên cứu Malik
Hiện Viện nghiên cứu Malik đang hợp tác với Học viện Hành chính Quốc gia và phối hợp với thành phố Hải Phòng ứng dụng mô hình quản trị hệ thống vào phát triển bền vững đô thị. Có trụ sở tại thành phố Thụy Sỹ, Viện nghiên cứu Malik được thành lập cách đây 33 năm và hiện đang là tổ chức hàng đầu thế giới về khoa học quản lý hệ thống, điều khiển học, quản trị và lãnh đạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!