"Mất cán bộ cũng là đây"
Phát biểu trên Hội trường chiều 25/5, đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, trong nhiều giải pháp tạo động lực phát triển, ông đánh giá cao giải pháp phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua đã góp phần đạt kết quả quan trọng, tạo niềm tin cho người dân, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm túc hơn. Việc đẩy mạnh công tác này đã và đang phá bỏ rào cản của sự phát triển.
Ngoài ra, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh góp phần vào đoàn kết dân tộc, đoàn kết nội bộ, tạo sức mạnh cho sự phát triển và không còn lo lắng "diệt chuột sợ làm vỡ bình".
Đề cập công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vị đại biểu này lại bày tỏ băn khoăn dù nhiều chủ trương được ban hành để thúc đẩy thúc đẩy đầu tư, có chương trình cụ thể để chấn chỉnh quản lý, cải cách hành chính gắn với sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, siết chặt kỷ luật tài chính, đẩy mạnh thanh kiểm tra.
"Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như Nghị quyết đề ra đã không được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc" – ông Mai Sỹ Diến nhấn mạnh và dẫn chứng nhiều bộ ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước chưa có chương trình cũng như không gửi báo cáo về công tác này để tổng hợp báo cáo Quốc hội.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật về chính sách đất đai, khai thác cát, sỏi gây thoát cho nhà nước và gây nhiều bức xúc. Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bị vi phạm ở một số nơi, thậm chí có hiện tượng thách thức pháp luật và biểu hiện tiếp tay của của người có trách nhiệm.
Từ những hạn chế trên, đại biểu đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra và xem xét kết luận vì thời gian qua việc quy trách nhiệm có vẻ chưa đủ răn đe.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cũng nhấn mạnh việc siết chặt quản lý tài sản công, định giá doanh nghiệp trong cổ phần hoá, ngăn chặn có hiệu quả việc cố tình làm trái quy định hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi, thực hiện lợi ích nhóm trong quản lý đất đai, ngân sách của một số lãnh đạo cán bộ công chức và doanh nghiệp.
"Đây là vấn đề cấp bách. Thất thoát kinh phí nguồn lực của Nhà nước chảy vào túi của một số cá nhân là đây. Tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết, mất cán bộ cũng là đây" – ông Mai Sỹ Diến nói và nhấn mạnh điều quan trọng là tính toán được tỷ lệ thất thoát so với GDP hàng năm để cảnh báo và đưa ra giải pháp đầy đủ về thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan chức năng.
"Phù phép" hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công
Liên quan đến quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) nhấn mạnh, đa số khiếu kiện liên quan đến đất đai, thất thoát từ đất đai cũng là không nhỏ. Với chính sách giá đền bù mà các tỉnh ban hành hàng năm thì nhiều trường hợp sau khi bị thu hồi đất, người dân không thể mua nổi một căn nhà để ở, nhiều người dân không có đất phải đến các đô thị làm thuê, đi khai thác khoáng sản, phá rừng. Nhiều trường hợp doanh nghiệp nhận đất rồi phân lô bán nền với giá cao gấp hàng chục lần thì người dân bức xúc cũng là dễ hiểu.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, việc thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp cần thay đổi cả cơ chế quy định pháp luật, theo hướng doanh nghiệp thoả thuận với người dân, chính quyền không thu hồi thay cho doanh nghiệp và trước khi thu hồi cần lấy ý kiến người dân vì có trường hợp đất bị thu hồi mà người dân cũng không biết.
Đề cập tình trạng đất công và công sản bị bán rẻ, biến đất công thành đất tư, ông Nguyễn Sỹ Cương nói công tác quản lý tài sản công có nhiều thất thoát lãng phí lớn, thậm chí "làm phép" hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.
Hình thức đổi đất lấy hạ tầng, theo đại biểu đã khiến một diện tích đất không nhỏ, trong đó có đất công ở những vị trí đắc địa rơi vào tay doanh nghiệp.
"Đất vàng", "đất kim cương" được đổi nhiều khi chỉ để lấy trụ sở, thậm chí chỉ là cổng chào. Điều này là đáng lo ngại và báo chí nêu lên khá gay gắt" – ông Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường quản lý để ngăn chặn những nguy cơ, hậu quả.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!