Chủ tịch nước tham dự đối thoại với ABAC

Quang Anh, Văn Khương, Trần Nam (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 10/11/2017 19:32 GMT+7

Toàn cảnh phiên đối thoại Lãnh đạo APEC và ABAC. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ.

VTV.vn - Chiều 10/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự đối thoại ABAC với nhóm 1 cùng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Indonesia, New Zealand và Peru.

Vào chiều nay (10/11), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự đối thoại ABAC với nhóm 1 cùng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Indonesia, New Zealand và Peru. Tại phiên thảo luận, trả lời câu hỏi về việc cần có những chính sách gì để bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm, các chính phủ và doanh nghiệp có thể hợp tác như thế nào để bảo đảm tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích đồng đều cho mọi người dân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong nhiều thập nhiên qua, các nền kinh tế APEC đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội rất ấn tượng, song vẫn còn hơn 600 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo đói, hơn 80% người dân không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng và y tế với chi phí hợp lý và còn rất nhiều người không được học hành.

Do đó, hơn lúc nào hết, APEC cần thúc đẩy phát triển kinh tế bao trùm nhằm bảo đảm công bằng và quan trọng hơn nhằm khai thác tiềm năng của mọi người dân. Đây cũng là một ưu tiên hàng đầu của Năm APEC 2017. Với mục tiêu đó, ngày mai (11/11), các nhà lãnh đạo APEC sẽ lần đầu tiên xem xét thông qua Chương trình hành động phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Theo đó, cần tập trung vào các chính sách bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm, việc phát triển bao trùm về kinh tế phải đi cùng với bao trùm về tài chính và xã hội để bảo đảm bao trùm toàn diện. Ba trụ cột này của phát triển bao trùm toàn diện phụ thuộc và bổ trợ lẫn nhau.

Thứ hai, các chính phủ tiếp tục thúc đẩy cải cách cơ cấu, chính sách cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, loại bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tạo việc làm, loại bỏ bất bình đẳng về tiền lương và điều kiện việc làm; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận các dịch vụ tài chính, nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng, thị trường khu vực và toàn cầu.

Thứ ba, cần gắn tăng trưởng với đầu tư bền vững vào con người, đào tạo kỹ năng và sự dịch chuyển của thị trường lao động; có chính sách thu hẹp bất bình đẳng kinh tế và xã hội; tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp ít có cơ hội tham gia thương mại quốc tế, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, bảo đảm mọi thành phần xã hội đều được tham gia phát triển và thụ hưởng các lợi ích của phát triển. Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp sẽ ủng hộ và hợp tác hiệu quả hơn nữa với chính phủ trong việc thực hiện phát triển kinh tế bao trùm vì lợi ích của chính doanh nghiệp và người dân. Phát triển kinh tế bao trùm sẽ góp phần đưa hàng trăm triệu người nghèo trở thành những người tiêu dùng tiềm năng, những người lao động có kỹ năng, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và sự ổn định, thịnh vượng của xã hội.

Thảo luận tại nhóm 2 cùng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore, trả lời câu hỏi Năm APEC 2017 đã đưa ra những chính sách gì để tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu, và cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng góp như thế nào, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa không chỉ nhằm bảo đảm phát triển cân bằng và ổn định, mà còn là sự đầu tư chiến lược cho tương lai, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hiện nay là động lực quan trọng của các nền kinh tế, chiếm tới 97% tổng số các doanh nghiệp và tạo trên 70% việc làm ở khu vực. Những năm qua, APEC đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy, thực thi nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Năm nay, APEC cũng đã xác định việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số là một trong bốn ưu tiên.

Dù mỗi nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, song Chủ tịch nước cho rằng cần tập trung giải quyết ba vấn đề then chốt.

Thứ nhất, thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh, đầu tư minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tham gia sâu hơn vào thị trường và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Có hai lĩnh vực tiềm năng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên tham gia sâu là các hoạt động kinh doanh xanh, bền vững và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thứ hai, xử lý các rào cản về tiếp cận nguồn lực, nhất là tài chính, tín dụng, hạ tầng thông tin. Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực thiết thực của các Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã thúc đẩy thành lập được một trang thông tin về thị trường doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của APEC như là một công cụ thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa doanh nghiệp và các bên liên quan.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua các chương trình, trong đó có việc thành lập Trung tâm phát triển thông tin, xây dựng các quỹ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và quản lý. Việt Nam đã áp dụng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào thị trường toàn cầu thông qua cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế.

Chủ tịch nước mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng các chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua nhiều biện pháp như đẩy mạnh liên kết, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng; đẩy mạnh hợp tác công - tư, phát triển kết cấu hạ tầng chất lượng.

​Thảo luận tại nhóm 4 cùng các nhà lãnh đạo Nga, Thái Lan, Chile, Papua New Guinea, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời câu hỏi về việc đánh giá những thành tựu mà APEC đã đạt được trong thời gian qua và APEC cần làm gì để trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo việc làm cho người dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng sau gần 3 thập niên hình thành và phát triển, APEC đã trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Chủ tịch nước đánh giá cao sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp vào những thành tựu đó. Trong một thế giới đầy biến động, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới nhằm bảo đảm phát triển bao trùm và việc làm bền vững cho người dân. Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế khu vực đang có nhiều biến chuyển sâu sắc, các thách thức đối với phát triển bền vững vẫn hiện hữu, đặc biệt về môi trường và bất bình đẳng xã hội. Cùng với đó, những động lực tăng trưởng như chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học, đô thị hóa, tiến bộ khoa học - công nghệ… nếu không được quản lý tốt sẽ trở thành thách thức đối với sự phát triển bền vững trong tương lai.

Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với khu vực và Diễn đàn APEC là tăng cường trách nhiệm, khả năng thích ứng và nâng cao hiệu quả trong việc xử lý các thách thức đối với người dân và doanh nghiệp, tập trung vào ba vấn đề then chốt.

Thứ nhất, xây dựng mô hình tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Các mô hình tăng trưởng truyền thống theo chiều rộng hiện nay đã tới giới hạn và đang tạo ra nhiều hệ lụy về tài nguyên, môi trường và lao động phổ thông. Trong khi đó, thành quả trong những ngành công nghệ mới lại chưa thể lan tỏa rộng khắp. Những mô hình tăng trưởng trong tương lai cần thân thiện với môi trường, hài hòa với xã hội, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, thúc đẩy cải cách cơ cấu nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản kìm hãm tăng trưởng. Một nghịch lý đang phải chứng kiến là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chuyển đổi mạnh mẽ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị xã hội, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động trong thập niên qua lại có xu hướng giảm sút. Phải chăng là cùng với đổi mới công nghệ, cần nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động.

Thứ ba, trang bị những kỹ năng cần thiết để người dân và doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng có hiệu quả những cơ hội của kỷ nguyên phát triển mới. Đây là tiền đề để tăng trưởng đi đôi với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, huy động sự tham gia và đóng góp của người dân và doanh nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế.

Giải quyết được ba vấn đề trên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin rằng APEC sẽ ngày càng trở nên thiết thực hơn với cuộc sống, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trong thập niên phát triển thứ tư của mình.

APEC 2017: Tăng cường xây dựng thế giới và cộng đồng kết nối nhờ công nghệ APEC 2017: Tăng cường xây dựng thế giới và cộng đồng kết nối nhờ công nghệ

VTV.vn - Một trong những phiên đối thoại quan trọng trong sáng nay tại APEC CEO Summit là phiên đối thoại với chủ đề "Xây dựng sự kết nối và cộng đồng trong một thế giới công nghệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước