Chủ tịch nước yêu cầu đẩy mạnh giải cứu đê biển ĐBSCL

Mỹ Duyên-Thứ năm, ngày 06/03/2014 09:59 GMT+7

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các Bộ ngành phối hợp khẩn cấp với các địa phương ĐBSCL tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng sạt lở đê biển khiến hàng chục ngàn ha đất, rừng bị cuốn trôi chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

Với vị trí ba mặt giáp biển, có chiều dài hơn 250 km, địa hình thấp hơn so với mặt nước biển, tỉnh Cà Mau là địa phương chịu nhiều tác động của triều cường, nước biển dâng đang ở mức báo động. Mỗi năm, địa phương này có hơn 500 ha rừng và đất rừng bị mất, tình trạng sạt lở vô cùng nghiêm trọng đã khiến cho hàng ngàn hộ dân bị mất đất buộc phải di dời trong những năm gần đây. Chỉ riêng năm 2013, sạt lở và triều cường đã làm hơn 21.000 ha sản xuất của bà con ở đê biển Đông và đê biển Tây bị thiệt hại.

Theo dự báo, nếu mực nước tiếp tục dâng như hiện nay, trong thời gian tới Cà Mau sẽ mất khoảng 90.000ha đất sản xuất. Trước thực tế đó, địa phương đã tìm nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này như làm kè ngầm tạo bãi bằng bê tông.

‘ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát tuyến đê biển ở Bạc Liêu. Ảnh: VOV

Khảo sát thực tế tại các địa phương như Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, tình hình biến đổi khí hậu hiện đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách. Việc đầu tư thi công các công trình, ứng dụng các giải pháp là cấp thiết nhưng phải tính toán hiệu quả để không lãng phí, đặc biệt là phải giảm được hiệu suất đầu tư trên mỗi công trình, tăng cường trồng rừng phòng hộ, đối với những khu vực đất bồi cần tìm hiểu nguyên nhân để bảo vệ và nhân rộng.

Với những nơi xung yếu đe dọa đời sống dân sinh, các địa phương cần khẩn trương giải quyết ngay, nhưng phải tìm được biện pháp an toàn để thi công. Đặc biệt là không để mất đất mà ông cha đã để lại.

Qua thực tiễn khảo sát cho thấy, ĐBSCL cần phải có quy hoạch chiến lược dài hạn và cụ thể với từng khu vực bởi tính chất dòng chảy của mỗi vùng biển khác nhau. Nguồn vốn là quan trọng, tuy nhiên trước mắt điều cần phải làm ngay là sớm có giải pháp kỹ thuật với mô hình xây dựng phù hợp, nhất là với vùng xung yếu, chứ không thể như "muối bỏ biển" mà hiệu quả không bền vững đã xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước