Chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 07/05/2019 19:20 GMT+7

Toàn cảnh buổi làm việc

VTV.vn - Sáng 7/5, Tiểu Ban KT-XH của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM và 7 tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây là cuộc làm việc thứ 2 của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội với các tỉnh thuộc các vùng động lực kinh tế, sau cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phía Bắc cách đây hơn nửa tháng, để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới, trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có dân số trên 20 triệu người, có năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước, GDP bình quân gấp 1,75 lần và chiếm tới 1/3 số lượng doanh nghiệp cả nước. Nhiều năm qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu kéo kinh tế cả nước. Do đó, những thành công cũng như tồn tại, yếu kém trong phát triển của các tỉnh, thành trong vùng sẽ góp phần hình thành nên tư duy phát triển đất nước trong những năm tới, giai đoạn mà tất cả các địa phương đều phải có tinh thần tiến công cách mạng, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững nhằm thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tổng hợp thực tiễn cũng như những kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong vùng hết sức quan trọng. Vì việc xây kế hoạch và chiến lược phát triển cho 5 hay 10 năm tới phải đi từ thực tiễn cuộc sống, trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng nhằm phát huy được sự năng động, sáng tạo của các địa phương, với tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn là 2045.

Báo cáo của các địa phương và ý kiến của các thành viên Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội đều khẳng định, 8 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn phải tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của cả nước trong 5 đến 10 năm tới. Tuy nhiên, khu vực này phải thực sự đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng cường liên kết giữa các địa phương vì liên kết đã trở thành yêu cầu khách quan chứ không thể mãi là khẩu hiệu. Nếu không thực hiện được liên kết vùng, TP.HCM cũng không thể phát triển được và 7 tỉnh còn lại cũng không có không gian để phát triển.

Hơn nữa, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP.HCM là hạt nhân có phát triển thực sự mới có thể trở thành bàn đạp để kết nối Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Do đó, nếu như trong nhiệm kỳ này, thể chế, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không có gì đột phá và cũng không có đột phá về giao thông thì trong nhiệm kỳ tới phải quyết liệt thực hiện được 2 việc này. Trong đó, TP.HCM phải đi đầu trong xây dựng các khu đô thị sáng tạo, kỹ thuật để trở thành cực tăng trưởng mới của Thành phố, còn đối với cả vùng phải được đầu tư về hạ tầng kinh tế số, đi cùng với tiếp tục giảm đất nông nghiệp để dành đất cho công nghiệp và dịch vụ nhưng vẫn bảo đảm được an ninh lương thực.

Ghi nhận những ý kiến góp ý cho Tiểu ban kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra lời giải cho vấn đề kết nối hạ tầng giao, phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, Trung ương cũng phải điều chỉnh phân bổ ngân sách trong niên độ 5 năm tới, để các địa phương trong vùng có thêm nguồn lực cùng với Trung ương giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối.

Thủ tướng nhấn mạnh, 5 năm tới 8 tỉnh, thành này vẫn tiếp tục phải là vùng động lực phát triển. Do đó, tư duy phát triển của các địa phương trong vùng phải cao hơn các địa phương khác, có tư duy phát triển xanh, không phát triển bừa bãi làm ảnh hưởng tới môi trường, nhằm đem lại sự phát triển bao trùm, trong đó, đồng bào nghèo, đồng bào các dân tộc ít người, gia đình chính sách và công nhân phải được chăm lo tốt hơn nữa.

Thủ tướng cũng đề nghị trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới, các Đảng bộ phải tìm được những cán bộ có tầm nhìn, có khát vọng, có trách nhiệm với Đảng và với dân tộc vì xét cho cùng, nếu có thể chế, chính sách tốt mà không có cán bộ tốt, các địa phương cũng như vùng và cả nước không thể phát triển được.

Tiểu ban Văn kiện làm việc tại Bộ VH-TT&DL Tiểu ban Văn kiện làm việc tại Bộ VH-TT&DL Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng XIII Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng XIII Lắng nghe ý kiến địa phương về xây dựng văn kiện Đại hội XIII Lắng nghe ý kiến địa phương về xây dựng văn kiện Đại hội XIII

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước