* "Tận hiếu với dân" là nhan đề bài viết trong mục Thời luận của báo Đại đoàn kết và cũng là nhận định của nhiều nhà lãnh đạo đất nước trong các thời kỳ.
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận vào tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Lấy dân làm gốc là bài học lớn rút ra từ lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân". Hay như xa xưa, Nguyễn Trãi đã nhận định: "Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là sức mạnh của dân quyết định" và Bình Ngô Đại cáo cũng đã được mở đầu bằng một câu bất hủ: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".
* Gần 29.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra. Đây là thông tin trên tờ Nông nghiệp Việt Nam sáng nay (19/9).
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh cơ bản đã xác định xong đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường. Tuy nhiên, người dân xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên đang bức xúc, bởi họ đang phải chịu tác động của sự cố môi trường, nhưng gạo hỗ trợ khẩn cấp lại đang chất đống trong Ủy ban Nhân dân xã mãi chưa giải ngân.
* Theo báo Giao thông, sau khi một số nội dung mới được bổ sung vào các kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe, tỷ lệ thí sinh trượt sát hạch ở các trung tâm tăng lên khoảng 40%.
Để có được tấm bằng lái xe, thí sinh sẽ gặp khó khăn hơn so với trước. Nhưng các chuyên gia đều khẳng định, để tránh bị trượt sát hạch, các học viên không có cách nào khác là phải nghiêm túc rèn luyện và tăng cường trau dồi kỹ năng.
* Trả lời báo Lao động về câu hỏi: "Liệu có thu hồi được tài sản của ông Trịnh Xuân Thanh nếu như đã tẩu tán ra nước ngoài hay không?", Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định: Việt Nam hoàn toàn thu hồi được bởi các nước trên thế giới đã gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng. Đặc biệt, nếu ông Thanh hợp thức hóa tài sản tại quốc gia đã ký Hiệp định Tương trợ Tư pháp với Việt Nam, việc thu hồi tài sản lại càng dễ dàng.
* Hôm nay (19/9), tờ Đầu tư phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp Nhà nước có quỹ đất lớn, vị trí đẹp nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời, đã không trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi nhà đầu tư khác liên doanh, rồi hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thoái toàn bộ vốn góp. Đây thực chất là chiêu thức lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư.
* Báo Kinh tế Đô thị đặt câu hỏi: "Tiền đâu để xử lý nợ xấu?". Theo đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC đã được cấp 2.000 tỷ vốn điều lệ, nhưng ước tính, cần ít nhất 5 - 10.000 tỷ làm vốn mồi mới có thể kích hoạt được thị trường mua bán nợ hoạt động.
Tờ báo còn cho biết, nhiều ý kiến đã bình luận về đề xuất dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu rằng: chẳng khác gì dùng tiền của người nghèo chia cho người giàu.
* Nhiều phụ huynh của Trường Trung học Cơ sở Ngô Gia Tự, Hà Nội đã hoảng hốt khi cộng lại các khoản tiền phải đóng cho con vừa vào lớp 6 tới hơn 3 triệu đồng/tháng.
Tờ Gia đình Xã hội cho biết: trước khi khai giảng 2 tuần, trường này đã tự thu tiền học của học sinh 1.250.000 đồng/11 buổi, tức là hơn 100.000 đồng/1 buổi, quá cao với 1 lớp khoảng 50 học sinh.
* Những năm gần đây, một vài thông tin, hình ảnh về quân nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật đã được tán phát với số lượng nhiều hơn kể từ khi có Internet và mạng xã hội.
Song có một điều bất thường là có không ít vụ việc bị tô vẽ, nhào nặn, bóp méo, nhằm bôi nhọ hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ. Không ít người thiếu hiểu biết vẫn tin theo và chia sẻ trên mạng xã hội. Mục làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình báo Quân đội Nhân dân hôm nay có bài viết phân tích rõ việc nhìn nhận và xử lý như thế nào đối với loại thông tin này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!