Với mục tiêu xây dựng một chương trình hỗ trợ làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tại các tỉnh miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 1998, dự án đào tạo "Cô đỡ thôn bản" ra đời. Và với những nỗ lực không ngừng nghỉ của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nói riêng cùng sự vào cuộc của Bộ Y tế nói chung, trong suốt những năm vừa qua, mô hình "Cô đỡ thôn bản" đã liên tục được nhân rộng và nâng cao chất lượng chuyên môn với hơn 1.900 cô đỡ được đào tạo tại các trường trung cấp và bệnh viện đa khoa huyện, thành phố.
Ngoài sự đầu tư lớn về tài chính và công sức từ Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là không thể không nhắc tới, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu (EU). Chính sự hỗ trợ ấy đã góp phần không nhỏ đưa chương trình "Cô đỡ thôn bản" trở thành chỗ dựa không thể thiếu, mang đến cho người dân các tỉnh khó khăn, địa bàn vùng sâu vùng xa của Việt Nam không chỉ là chất lượng về y tế mà còn là tình cảm, niềm hạnh phúc khi những đứa trẻ khỏe mạnh ra đời.
Theo đó, từ năm 2014 đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã trực tiếp hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong việc triển khai chương trình đào tạo "Cô đỡ thôn bản" thông qua chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn II. Cụ thể, trong 3 năm từ năm 2014 đến hết năm 2016, hơn 960 cô đỡ thôn bản được hỗ trợ đào tạo. Tính đến đầu năm 2017, đã có thêm 200 cô đỡ thôn bản tiếp tục được đào tạo trên địa bàn 10 tỉnh mục tiêu của chương trình bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Kon Tum, Gia Lai và Đăk Nông.
Phóng sự "Cô đỡ thôn bản – Chỗ dựa của buôn làng" được thực hiện tại xã Ngọc Tụ, tỉnh Kon Tum, 1 trong 10 tỉnh nghèo nhất cả nước. Những cô đỡ tay ngang như chị Y Nga trong phóng sự dưới đây đã và đang trở thành điểm tựa, là cánh tay nối dài của ngành y tế nước nhà trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cũng như góp phần nâng cao chất lượng của ngành y tế Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!