Đây đều là doanh nghiệp tầm cỡ, có quy mô vốn từ vài nghìn tỷ đồng thậm chí còn lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Bởi vậy, dù danh sách các tập đoàn, tổng công ty cổ phần hóa lần này đều hết sức hấp dẫn nhưng vấn đề đặt ra là: thị trường có hấp thụ được lượng cổ phiếu mà các doanh nghiệp này chào bán ra hay không?
Ví dụ như Nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn, sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 11 tới, chỉ với 4% nhưng cũng cần phải có 2 nghìn tỷ đồng để hấp thụ hết lượng cổ phần này của doanh nghiệp. Hiện nhà máy Lọc hoá Dầu Bình Sơn đã và đang đáp ứng trên 35% nhu cầu sản lượng xăng dầu trong nước và nộp ngân sách Nhà nước tương đương 7 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt mức 17%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, các doanh nghiệp cổ phần lần này đều rất hấp dẫn và không nên quá lo lắng vì không bán được, bởi thị trường đang ấm dần lên.
Hiện còn khoảng 90% vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn nằm trong số doanh nghiệp sắp tới phải cổ phần hóa. khi họ lên sàn thì khả năng vốn hóa sẽ tăng lên, đặc biệt nhiều cái tên kể trên đều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, VNINDEX đang vượt ngưỡng 800 điểm, tăng 20% so với cuối năm 2016. Và khi không còn quá lo lắng bởi thị trường vắng người mua, thì các doanh nghiệp sau khi bán cổ phần xong cũng đang kì vọng một sự chuyển đổi mạnh mẽ về cả thế và lực trong điều hành, quản trị kinh doanh.
Các doanh nghiệp cổ phần lần này đều là những tập đoàn, tổng công ty lớn và đều đang nắm giữ những mảng thị trường tiềm năng. Vì thế đây là những điểm hấp dẫn mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng không thể bỏ qua. Bởi vậy, chính những tiềm năng của các doanh nghiệp Nhà nước trong đợt cổ phần hoá này đang là lợi thế để họ vững tin bước ra thị trường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!