Sáng 20/11, với 90,06% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 với nhiều nội dung liên quan mật thiết đến người lao động.
Khi được hỏi về những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là Bộ luật có nội dung, phạm vi rất lớn và tác động sâu rộng đến hàng chục triệu người lao động, bao gồm cả lực lượng ở khu vực chính thức và phi chính thức.
Nói về việc Quốc hội đưa vào Nghị quyết giao Chính phủ có lộ trình đánh giá tác động và xem xét việc giảm giờ làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Chính phủ đề nghị và Quốc hội thống nhất ghi vào Nghị quyết giao Chính phủ nghiên cứu xem xét để có lộ trình đề xuất Quốc hội giảm giờ làm ở thời điểm thích hợp. Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá và trên cơ sở từng giai đoạn cụ thể để trình Quốc hội xem xét.
Làm rõ hơn về thời điểm thích hợp như đã nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: "Tôi nghĩ có thể 2 đến 3 năm hoặc có thể dài hơn. Nếu có điều kiện cho phép sẽ làm sớm hơn. Cái này rất linh hoạt. Chúng tôi mong muốn, nếu điều kiện kinh tế, xã hội tốt lên có thể giảm dần giờ làm việc bình thường càng sớm càng tốt theo hướng đó".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: TTXVN
Về tăng độ tuổi nghỉ hưu, theo vị tư lệnh ngành, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách rất lớn của Đảng, Nhà nước; là tầm nhìn có tính chất chiến lược nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số. Đặc biệt, điều này giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xã hội, vừa cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào, vì điều này tác động rất lớn đến hàng chục triệu người lao động. Trong mỗi hoàn cảnh, đối tượng cụ thể phải có cách ứng xử khác nhau.
Theo đó, bắt đầu từ 1/1/2021, sẽ điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu để tới năm 2028, lao động nam đạt độ tuổi nghỉ hưu là 62 và đến năm 2035, lao động nữ sẽ đạt độ tuổi nghỉ hưu là 60. Như vậy, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì lộ trình rất rõ là tăng dần đều, tăng chậm theo hướng nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&Xh cũng nhấn mạnh, đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện, hoàn cảnh công việc và sức khỏe bình thường. Người lao động nặng nhọc, độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn… lại có lộ trình điều chỉnh hoàn toàn khác và sẽ có hướng dẫn rất cụ thể. Những người này được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Những đối tượng này nếu cộng thêm suy giảm sức khỏe 61% có thể nghỉ hưu sớm hơn nữa.
Những trường hợp có trình độ cao có thể sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không kéo dài quá 5 năm. Đặc biệt, họ sẽ không làm công tác quản lý mà chuyển sang làm chuyên gia.
Về bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong năm, nâng tổng số ngày nghỉ lễ lên thành 11 ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, thêm 1 ngày nghỉ lễ vào trước hoặc sau ngày Lễ Quốc khánh là quyết định rất sáng suốt, thuyết phục của Quốc hội để "giúp người lao động cũng như gia đình có thời gian chăm sóc con cái, làm tốt hơn công việc gia đình".
"Cũng như nghỉ lễ những ngày Tết, bổ sung ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh sẽ giao lại cho Chính phủ xem xét quy định cụ thể theo tình hình từng năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu ngày Quốc khánh trùng vào thứ Bảy thì sẽ quy định nghỉ sớm, trùng vào ngày Chủ nhật thì bố trí nghỉ ngày tiếp theo. Tổ chức thực hiện nghỉ sao cho phù hợp nhất, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ liên tục 2-3 ngày để có thêm thời gian chăm sóc con cái, làm tốt hơn công việc gia đình", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!