Trong cơn bão mang tên COVID-19, những chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đều mang nhiệm vụ đặc biệt. Kể từ tháng 3 đến đầu tháng 4, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại châu Âu và một số quốc gia Đông Nam Á, những chuyến bay vẫn nối tiếp nhau đón kiều bào và du học sinh trở về và đưa công dân các nước hồi hương. Cũng trong thời điểm này, Vietnam Airlines tăng cường chuyến bay chuyên chở hàng hóa trong nước và quốc tế, hỗ trợ vận chuyển nhiều hàng hóa cấp thiết như khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ, thiết bị vật tư y tế từ nước ngoài về Việt Nam và do Chính phủ, nhân dân Việt Nam viện trợ Chính phủ, nhân dân các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trong tháng 4/2020, đó là thời điểm ngành hàng không Quốc gia Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ 500 chuyến bay/ngày, kết nối mọi miền Tổ quốc cũng như kết nối Việt Nam với thế giới, hiện Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đang khai thác chưa tới 20 chuyến bay/ngày, nhằm duy trì mạch máu kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng theo sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan Nhà nước. Dự kiến trong năm 2020, doanh nghiệp này sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng. Khó khăn là vậy, liệu doanh nghiệp hàng đầu như Vietnam Airlines sẽ làm thế nào để vượt qua và tiếp tục cất cánh?
Trên "đường băng" của Cất cánh tháng 4, ông Tô Ngọc Giang - Đoàn trưởng đoàn bay 919, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã mang tới câu chuyện của chính ông và của những người đồng nghiệp tại doanh nghiệp hàng đầu này.
"Là một phi công, nghề nghiệp của chúng tôi gắn bó rất nhiều với đường băng và sân bay. Lần này tôi được đứng trên một đường băng đặc biệt, là chương trình Cất cánh để chia sẻ với các bạn về những người lao động của Vietnam Airlines", ông Tô Ngọc Giang nói.
"Thời gian này là kỷ niệm khó khăn đối với những phi công cũng như đồng nghiệp khác trong ngành hàng không. Trong đại dịch COVID-19, ngành hàng không nói chung bước vào giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử. Ngành hàng không Việt Nam vốn trung bình có khoảng từ 900 - 1.000 chuyến bay/ngày thì nay chỉ còn không quá 20 chuyến bay/ngày. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã phải rời xa công việc yêu thích hàng ngày. Tuy nhiên, đã là phi công, từng được cầm cần bay trên bầu trời thì ước mơ, khao khát được trở lại với bầu trời luôn thường trực trong tâm trí của mỗi phi công, dù là những chuyến bay có thể không được cất cánh".
"Tôi có một anh bạn người Mỹ đang là cơ trưởng của máy bay Airbus 321. Anh ấy từng hỏi tôi -Chẳng lẽ chúng ta không được bay nữa hay sao?. Đối với anh ấy, việc được bay dù không nhận lương còn tốt hơn rất nhiều so với việc ngồi dưới mặt đất. Tuy nhiên, anh ấy hiểu rằng quyết định cho người lao động, trong đó có một lượng lớn phi công của chúng tôi nghỉ việc luân phiên là quyết định khó khăn đối với Vietnam Airlines. Đó cũng là quyết định cần thiết trong giai đoạn hiện nay".
"Bên cạnh những trái tim nóng bỏng muốn quay trở lại bầu trời cũng có nhiều người may mắn hơn khi được lựa chọn đi bay trong giai đoạn này, dù những chuyến bay đó rất thưa thớt. Để thực hiện mơ ước của mình, các bạn ấy phải vượt qua những khó khăn gấp nhiều lần so với các chuyến bay bình thường. Vì mỗi chuyến bay, phi hành đoàn hiểu rằng họ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là những chuyến đi tới vùng dịch. Khi trở về họ cũng không loại trừ khả năng phải đi cách ly. Trong một số trường hợp, chúng tôi cũng phải chịu những kỳ thị không đáng có từ phía cộng đồng. Cá nhân tôi từng cách ly 14 ngày vào tháng 3 nên tôi hiểu cảm giác của những người phải đi cách ly như thế nào", ông Tô Ngọc Giang chia sẻ.
Việc thay đổi bất ngờ trong công việc đã khiến những người lao động của Vietnam Airlines không chỉ bị ảnh hưởng về kinh tế mà còn chịu tác động về tinh thần. Nhưng sau những khó khăn, có những điều tích cực đã xuất hiện từ trong "cơn bão" dịch COVID-19.
"Do được nghỉ luân phiên tại nhà, người lao động có nhiều thời gian ở nhà hơn vì có thể làm việc qua Internet" - ông Tô Ngọc Giang cho biết - "Đối với phi công, chúng tôi thường có rất ít thời gian ở nhà cùng gia đình. Trong giai đoạn này, nhiều anh em được ở nhà, họ cảm thấy rất thoải mái nhưng tới một thời điểm, chúng tôi cũng phải làm gì đó mà không thể ngồi chờ đợi".
"Nghề phi công có một chút khác biệt so với các ngành khác, đó là chúng tôi phải học nhiều về máy bay, phương thức xử lý khi máy bay bị trục trặc. Tuy nhiên, trong những hoạt động bay hàng ngày, chúng tôi ít khi có cơ hội áp dụng những kiến thức đó vì máy bay được thiết kế an toàn. Dần dần, những kiến thức ấy cũng sẽ bị rơi rụng. Chúng tôi thấy rằng đây là thời điểm để chúng tôi trau dồi kiến thức. Đó là cách chúng tôi chuẩn bị cho thời điểm đón nhận những chuyến bay trở lại, ngành hàng không phục hồi lại".
"Động lực giúp chúng tôi vượt qua khó khăn chính là tinh thần của những chiến binh quả cảm, kiên trì và vượt khó tại Vietnam Airlines", ông Tô Ngọc Giang kết luận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!