Bắt đầu từ tuần này, các ứng cử viên cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ bước vào chiến dịch vận động bầu cử tại các cuộc tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức. Đây sẽ là một hoạt động quan trọng để người dân có thể đánh giá, nhìn nhận về mỗi ứng cử viên, từ đó đưa ra quyết định dành phiếu bầu cho ai.
Có khá nhiều vấn đề đang được đặt ra xung quanh hoạt động này, nhưng một trong những điều mà người dân đang quan tâm hơn cả là làm thế nào để những cam kết hay lời hứa mà các ứng cử viên trình bày trong các cuộc vận động bầu cử biến thành hành động. Nguyên nhân là do thực tế trong các nhiệm kỳ trước đây, không thiếu những trường hợp các ứng cử viên có chương trình hành động rất hấp dẫn nhưng cả nhiệm kỳ lại không làm được gì.
Trong một chế độ dân chủ, bầu cử phổ thông đầu phiếu là cách để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua đại diện của mình. Điều này là rất quan trọng bởi Nhà nước chỉ thực sự phát huy được quyền lực khi nhân dân còn tín nhiệm, hoạt động Nhà nước còn thuận theo ý nguyện của người dân. Với ý nghĩa đó, có thể thấy vận động bầu cử chính là thời điểm ý nghĩa để từ đó người dân có thể hiểu được những cử viên nào đang phản ánh được chính xác nhất những ý chí và nguyện vọng của mình.
Tuy nhiên, từ góc độ này cũng có thể thấy, tình trạng những đại biểu dân cử khi vận động cử tri đưa ra lời lẽ hấp dẫn nhưng khi được bầu lại xa rời cử tri, xa rời những chương trình hành động đã hứa sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng, khiến người dân mất niềm tin với đại biểu, làm xói mòn hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên VTV đã ghi nhận những ý kiến của cử tri đối với vấn đề lời hứa của các ứng cử viên trước thềm chiến dịch vận động bầu cử năm 2016.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.