Cuộc vận động tổng lực cho EVFTA

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 21/10/2018 20:28 GMT+7

VTV.vn - Chuyến thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch và EU lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được coi là một cuộc vận động tổng lực cho việc ký và phê chuẩn EVFTA.

Áo là quốc gia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa cuối của năm nay. Bỉ là nơi đặt trụ sở của toàn bộ các cơ quan đầu não của Liên minh châu Âu (EU), một quốc gia có vai trò quan trọng đồng thời là nước là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao ASEM và Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu trong năm nay. Trong khi đó, Đan Mạch là nước có quan hệ truyền thống của Việt Nam.

Một điểm chung là lãnh đạo của cả 3 nước này đều khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ ủng hộ EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do song phương với Việt Nam và Hiệp định bảo hộ đầu tư.

Trải qua 3 năm với 14 vòng đàm phán và gần 3 năm đợi Quốc hội của 28 nước thành viên EU phê chuẩn, giờ đây, Việt Nam nhận được sự cam kết của các nước châu Âu trong đó có Áo, Đan Mạch và Bỉ đã khẳng định trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là ủng hộ Hội đồng châu Âu - cơ quan quyền lực cao nhất của EU quyết định cho phép ký, để sau đó chuyển sang Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam và Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương trong thời gian sớm nhất có thể.

Nếu theo quy trình, Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam phải hoàn thành việc dịch ra ngôn ngữ của các nước EU, sau đó mới được Cao ủy Thương mại trình lên Ủy ban châu Âu để quyết định trình lên Hội đồng châu Âu. Tuy nhiên, hai việc này đã được thực hiện cùng lúc với chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhờ đó, khi việc dịch thuật hoàn thành cũng là lúc Hội đồng châu Âu có thể xem xét quyết định cho phép ký chính thức hiệp định này. 

Tại các cuộc hội kiến và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đều ủng hộ việc ký Hiệp định có thể diễn ra vào cuối năm nay. Nghị viện sẽ phê chuẩn vào đầu năm tới, trước khi hết nhiệm kỳ vào tháng 5. Việc phê chuẩn Hiệp định được hai bên coi là tín hiệu mạnh mẽ đối với thế giới về việc duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, tự do và dựa trên luật lệ.

Trong các bài phát biểu tại diễn đàn kinh doanh ASEM hay tại Hội nghị cấp cao ASEM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực đến cuối năm nay phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và ký Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, đồng thời hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa ASEAN với 6 đối tác. Thông điệp của Việt Nam về việc sẵn sàng cùng các nước duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, tự do, dựa trên luật lệ được các nước rất hoan nghênh.

Để đón đầu Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam, trong chuyến thăm Áo, Bỉ và Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài những cam kết chính trị về tăng cường đầu tư, thương mại và chuyển giao công nghệ, các bộ và doanh nghiệp hai nước đã ký 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Đan Mạch và Bỉ cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp và chăn nuôi sạch với tất cả các quy trình về an toàn thực phẩm. Nếu các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam sản xuất theo đúng quy trình và đáp ứng được các tiêu chuẩn của châu Âu có nghĩa là đáp ứng được yêu cầu của tất cả các thị trường khác.

Một thỏa thuận quan trọng khác cũng được ký trong chuyến thăm Liên minh châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Cốt lõi của Hiệp định này là để bảo đảm gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có nguồn gốc hợp pháp và được xác minh, bất kể gỗ đó được khai thác ở trong nước hay nhập khẩu vào Việt Nam.

Hiện tiến trình ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam và Hiệp định bảo hộ đầu tư mới đi được 1 trong 3 bước. Tuy nhiên, chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang tính toàn diện và tiêu chuẩn cao này mang lại. Khi được thực thi, 99% dòng hàng của Việt Nam sang EU sẽ không còn bị đánh thuế nhập khẩu hoặc là chỉ ở mức 5%. Do đó, hàng loạt sản phẩm trọng điểm của Việt Nam như nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giầy và thiết bị điện tử đều được hưởng ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận thị trường của nhau.

Với cường độ làm việc liên tục trung bình hơn 12 tiếng mỗi ngày, trong 7 ngày qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự gần 70 hoạt động song phương và đa phương. Trong đó, có 12 cuộc hội kiến với các các nhà lãnh đạo của hai châu lục Á - Âu. Đây là một cuộc vận động tổng lực để Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam được ký vào cuối năm nay và phê chuẩn vào đầu năm sau. 

Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ có một thị trường xuất khẩu rất lớn. Với Việt Nam lúc này, thương mại là chìa khóa quyết định, vì chỉ có mở rộng được thị trường mới thu hút thêm được dòng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước