Đại biểu QH đặc biệt quan tâm đến vấn đề cấp phép ca khúc

VTV News-Thứ ba, ngày 27/06/2017 18:27 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện

VTV.vn - Cơ chế cấp phép ca khúc là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong buổi chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

LTS. Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 21/6, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sau kì họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kì họp. VTV News xin điểm lại một số vấn đề nóng thu hút nhiều đại biểu tham gia hỏi và tranh luận trong các phiên chất vấn ngày 13-15/6.

Nội dung được các cử tri quan tâm trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ yếu là các vấn đề liên quan tới thực trạng việc quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giải pháp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đối với những vấn đề này.

Liên quan đến việc bổ sung danh sách bài hát được cấp phép khiến nhiều người hiểu lầm, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã thẳng thắn chỉ ra 3 hạn chế cơ bản của lĩnh vực quản lý hoạt động văn hóa đều xoay quanh năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là tư duy quản lý lạc hậu, nặng về cấp phép xin - cho, không kịp thời nắm bắt các văn bản của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Cao Thị Xuân cũng nhấn mạnh rằng trong 7 giải pháp để chấn chỉnh lĩnh vực này, không có giải pháp nào liên quan trực tiếp thanh lọc, xử lý những bất cập của yếu tố con người.

Đáp lại thắc mắc của đại biểu Cao Thị Xuân, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện một lần nữa khẳng định những sự việc xảy ra vừa qua trước hết là do năng lực cán bộ, nếu năng lực cán bộ tốt thì đã không xảy ra những chuyện như vậy trong quản lý. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề liên thu hồi 5 bài hát không cấp phép, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL xin phép trả lời sau. Liên quan đến vấn đề cập nhật 324 bài hát lên website, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định có những cái sai không đáng có về nghiệp vụ.

"Người ta không yêu cầu cập nhật bài hát đó thì mình lại cập nhật, cập nhật lại vào sai mục, cập nhật vào mục cấp phép, tức là sai những nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý Nhà nước" - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết Bộ đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xác định làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân tại đâu và trên cơ sở đó thì sẽ có các giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao đạo đức nghiệp vụ.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời thắc mắc của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)

Cùng liên quan đến vấn đề cấp phép, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho biết trong Báo cáo số 119 ngày 8/6/2017 của Bộ VHTT&DL, tại phần quản lý cấp phép các hoạt động văn hóa nghệ thuật, khi đọc đại biểu Quốc hội có cảm giác công tác quản lý của Bộ là xin phép cấp phép. Đại biểu cho rằng phải chăng vì thiên về hoạt động xin phép cấp phép như vậy nên cơ quan quản lý của bộ đã làm những việc không cần làm, điển hình như quyết định phổ biến hơn 300 bài hát cách mạng trong đó có cả Quốc ca.

Trả lời thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lý do đại biểu thấy báo cáo của Bộ gửi tới Quốc hội "toàn cấp phép" là vì đây là yêu cầu của Tổng thư ký kỳ họp là nói về quản lý và cấp phép. Bộ trưởng cho rằng do vấn đề quản lý cấp phép khá "nóng" trong thời gian qua nên Quốc hội yêu cầu Bộ báo cáo tập trung về vấn đề này, không phải nội dung quản lý Nhà nước của Bộ chỉ có quản lý và cấp phép.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời thắc mắc của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)

Tiếp tục vấn đề liên quan đến cấp phép, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã trả lời là Cục Nghệ thuật biểu diễn không có bất kỳ văn bản hành chính nào thể hiện là cấp phép cho 324 bài hát, trong đó bao gồm cả bài Quốc ca, rằng đây chỉ là cập nhật danh sách các bài hát lên website và thể hiện tinh thần đơn giản một bước về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc công bố 324 bài hát này nằm trong danh mục các bài hát mới được cấp phép khiến dư luận hiểu nhầm là cấp phép 324 bài hát trong đó có bài Quốc ca. Đại biểu đặt vấn đề là giả sử đây là cấp phép thật thì có sai không và nếu sai thì người dân cần hiểu Nghị định 15 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 79 là như thế nào?

Thắc mắc của đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) về vấn đề cấp phép ca khúc

Trước câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Phương, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng đây là một nội dung khá "nóng" trong thời gian qua, được báo chí và dư luận quan tâm. Bộ trưởng cho biết sẽ trao đổi cụ thể hơn và trả lời đại biểu bằng văn bản.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng trong 40 năm qua, việc cấp phép các bài hát thời Việt Nam Cộng hòa và hải ngoại theo cơ chế xin - cho từng chương trình, từng băng đĩa, từng tác giả là cách làm cửa quyền gây chậm trễ, tốn kém, tiêu cực và trên thực tế thì cũng không hiệu quả. Đã có nhiều kiến nghị trong ngành văn hóa là nên rà soát, lên danh sách các bài hát cần cấm theo quy định của pháp luật. Các bài hát ngoài danh sách trên thì tự do lưu hành, chỉ cần tôn trọng quyền tác giả và đóng thuế nếu kinh doanh, nếu cần cấm thêm thì bổ sung vào danh sách này. Nhiều nhạc sĩ, chuyên gia ủng hộ cách quản lý này vì phù hợp với Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường, không cản trở nhu cầu chính đáng của người dân, nghệ sĩ và hoạt động phổ biến, biểu diễn văn hóa. Đại biểu thắc mắc về việc phải chăng nhận thức năng lực hay đạo đức của một số cán bộ quản lý văn hóa là nguyên nhân khiến Bộ không áp dụng cách làm hợp lý hơn.

Đối với câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết sau những sự việc xảy ra, Bộ đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại các thủ tục hành chính liên quan đến các việc cấp phép vừa rồi và tiến hành rà soát lại theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tinh thần của Bộ là giảm và hạn chế, chấm dứt việc xin - cho để tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Bộ trưởng cho biết Bộ VHTT&DL sẽ phải tìm một phương cách quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và phù hợp với sự hội nhập quốc tế. Bộ trưởng khẳng định những vấn đề cụ thể sẽ được Bộ tiếp tục nghiên cứu và sẽ có báo cáo với đại biểu.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời thắc mắc của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)

Đối với câu trả lời này của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng Bộ trưởng chỉ cho biết Bộ sẽ nghiên cứu làm thế nào để giảm bớt cơ chế xin - cho nhưng không nêu rõ cụ thể. Đại biểu cho rằng Bộ cần nghiên cứu để trình cho Chính phủ sửa đổi các nghị định liên quan đến việc cấp phép biểu diễn các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật sao cho phù hợp hơn.

Cùng liên quan đến vấn đề cần sửa đổi nghị định, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cho biết đã đọc kỹ Nghị định 79 năm 2012 và Nghị định 15 năm 2016, quy định rất rõ những việc cấp phép phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác. Đại biểu cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tiến hành cấp phép thực hiện theo quy định của nghị định. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có nhìn thấy những bất hợp lý của quy định này không và cho biết giải pháp để khắc phục. Nếu Bộ trưởng nói sẽ tiếp tục về cho nghiên cứu, đại biểu xin tiếp tục theo dõi và giám sát việc sửa đổi nghị định này.

Đối với câu hỏi của đại biểu Lê Xuân Thân và đại biểu Bùi Ngọc Chương, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian sáng tác. Hiện nay, Bộ VHTT&DL hiện đang thực hiện các thủ tục về mặt pháp luật để triển khai ý kiến chỉ đạo này.

Liên quan đến vấn đề tác quyền, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết nhiều người bức xúc khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam quyết định thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê. Trước đó, trung tâm này cũng bị rất nhiều khách sạn, nhà hàng và nhiều địa phương phản đối khi thu tiền tác quyền âm nhạc theo đầu ti vi. Đại biểu cho rằng việc thu này không có căn cứ, bị trùng thu hai lần, tức là đơn vị sản xuất băng đĩa đã nộp tiền, nay các quán cà phê, khách sạn tiếp tục phải nộp là vô lý, trong khi đó, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật như là sân khấu điện ảnh, văn học, điêu khắc, mỹ thuật, nhiếp ảnh thì không có hình thức thu tương tự. Đại biểu lo ngại việc thu tiền tác quyền sẽ làm cho cơ hội tiếp cận tác phẩm âm nhạc trong nước của người dân bị hạn chế. Nhiều khách sạn sẽ chọn sử dụng âm nhạc nước ngoài, cơ hội quảng bá, phổ biến tác phẩm âm nhạc của những tác giả chưa ủy quyền cũng bị thu hẹp.

Trả lời ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết liên quan đến vấn đề bản quyền, tác giả, việc thu và lập phí bản quyền được thực hiện khi người sử dụng các bài hát của các nhạc sĩ sáng tác vì mục đích thương mại.

"Nếu hát bình thường thì thôi nhưng mục đích thương mại biểu diễn có thu tiền thì phải trả tiền cho tác giả. Đây là thực hiện theo Điều 26 và Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Điều 35 của Nghị định 100, các điều khoản được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 do yêu cầu của hội nhập quốc tế và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 theo yêu cầu khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, được thông qua tại Nghị quyết số 71 của Quốc hội ngày 29/11/2006 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là việc thu vừa rồi có cơ sở" - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết cách thu, hình thức thu phí tác quyền đang còn gặp một số vấn đề như thu như thế nào, ai ủy quyền, trung tâm có căn cứ khoa học chưa, mức thu đã được thỏa thuận chưa... Bộ VHTT&DL đã yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dừng thu để cùng rà soát lại xem cách thu như vậy đã đúng chưa, khi nào làm theo đúng các quy định của pháp luật thì trung tâm mới tiếp tục thu. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng đây là một trong những vấn đề rất quan trọng để xây dựng công nghiệp văn hóa và là một trong những nội dung của bản quyền tác giả. Đối với việc thu phí tác quyền âm nhạc ở khách sạn và một số quán cà phê, Bộ đã cho kiểm tra lại và đề nghị Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phải đảm bảo các thủ tục về cách thu, phương thức thu.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời thắc mắc của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)

Liên quan đến các quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả giống đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Dương) cũng thắc mắc về việc trung tâm này chỉ là một đơn vị tư nhân mà ra văn bản thu tiền như cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Ngoài ra, trung tâm này trước đây cũng đề xuất thu bản quyền, thu tiền tác quyền của Quốc ca.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phi Long, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết: "Thứ nhất, Hội nhạc sỹ Việt Nam là cơ quan chủ quản của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Trung tâm có con dấu, tài khoản riêng được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hội nhạc sỹ Việt Nam có trách nhiệm về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của trung tâm. Trung tâm hoạt động theo điều lệ của trung tâm do Hội nhạc sỹ Việt Nam phê duyệt và thực hiện theo điều lệ của Hội nhạc sỹ Việt Nam. Theo quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Tổ chức thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp. Thứ hai, Bộ Nội vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hội trong phạm vi cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý Nhà nước về hoạt động chuyên ngành quyền tác giả, quyền liên quan thuộc lĩnh vực do bộ quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc khi trung tâm hoạt động vi phạm các quy định pháp luật về bản quyền tác giả, quyền liên quan".

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời câu hỏi liên quan đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước