Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thăng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tại phiên họp sáng 26/10
Sáng nay (26/10), Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về việc thực hiện chủ trương về việc tinh giản biên chế.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) đánh giá Chính phủ đã triển khai Nghị quyết về tinh giản biên chế của Quốc hội khá quyết liệt, Thủ tướng cũng ban hành nhiều quyết định liên quan, tuy nhiên, kết quả còn thấp hơn so với mục tiêu.
Việc tinh giản biên giản sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% đến năm 2021 trong khi số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan bộ thuộc chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thật sự quyết liệt...
Đại biểu Phạm Xuân Thăng đã đưa ra đề xuất tăng cường hợp nhất một số chức danh: "Cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm làm Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật công chức, Luật viên chức... để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, các chủ trương nhất thể hoá một số chức danh, hợp nhất các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng".
Đóng góp thêm ý kiến về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cũng khẳng định chủ trương về việc tinh giản biên chế rất tốt nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thời gian qua ở các bộ ngành, địa phương còn thiếu thống nhất và rất lúng túng: "Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân ra diện rộng. Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học, ví dụ như việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước. Việc sáp nhập các phòng, ban, sở ngành một số tổ chức chính trị và nghề nghiệp... chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo đồng bộ để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc".
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ thảo luận tại phiên họp sáng 26/10
Đại biểu Cao Đình Thưởng cũng cho biết, việc tinh giản biên chế viên chức vừa qua làm xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các địa phương.
"Không thể để nhồi nhét học sinh ở các thành phố, thị xã, không thể ghép điểm trường ở miền núi khiến các em đi học quá xa. Cần phải xã hội hoá mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục", đại biểu Cao Đình Thưởng nhấn mạnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ thời gian đã có nhiều giải pháp quyết liệt hiệu quả, nhằm quyết tâm sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế như sắp xếp giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, giảm hơn 86.000 biên chế...
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, việc sắp xếp lại bộ máy diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chi cho trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
"Tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, song đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ rằng, tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước, số còn lại được chi cho quốc phòng – an ninh, vậy còn đâu cho đầu tư phát triển", đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại phiên họp sáng 26/10
Đặc biệt, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng nêu đề xuất tiếp tục điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố bởi đây là giải pháp hiệu quả nhất để hoàn thành đổi mới bộ máy nhà nước, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng khóa XII.
Đại biểu tỉnh Bạc Liêu lấy ví dụ về một nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần, dân số đông hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố hay có nước được hình thành bởi gần 7.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành và sau đó tăng lên thành 63 như hiện nay. Trong khi đó, quyết định sáp nhập Hà Nội và Hà Tây đã mang đến nhiều thành tựu to lớn.
"Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố", đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Vào chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và các thành viên Chính phủ sẽ tham gia giải trình ý kiến đại biểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!