Sau những đợt mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường giao thông lại bị ngập sâu va chia cắt. Biện pháp chủ yếu mà các địa phương triển khai vẫn là tiến hành di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, chờ cho cho đến khi nước rút hẳn. Tuy nhiên, sẽ cần giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn lưu thông cho người dân. Nhất là khi thiên tai, thời tiết cực đoan đang ngày càng diễn biến bất lợi và khó dự báo.
Phía bên kia con đường vẫn còn ngập nước là làng xóm, là những người thân trong gia đình. Anh Nhàn (xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đã đợi ở đây hơn 1 tiếng đồng hồ, hy vọng nước sẽ giảm bớt để tiếp tục chặng đường về nhà. Nhiều người quá nóng lòng, đã không chờ đợi, vẫn đi trên con đường mà không biết nước ngập sâu đến mức nào.
Huyện Đồng Xuân - nơi bị ngập lụt nặng nề nhất trong hai ngày qua ở tỉnh Phú Yên. Sau khi gây ngập đến gần 400 ngôi nhà, từ sáng ngày 2/11, nước đã rút, nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn vẫn nằm sâu dưới nước.
Thấy nước rút, nhiều người vội trở về nhà, qua lại trên những bờ tràn, trên những đoạn đường còn ngập nước, thậm chí nước chảy xiết.
Chính quyền các địa phương tổ chức lực lượng ứng trực tại những con đường ngập nước, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là yêu cầu hàng đầu trong phương án ứng phó mưa lũ những ngày tới.
Mưa lớn quay trở lại tại các tỉnh Nam Trung Bộ, lũ lại lên trên các con sông. Những vùng trũng thấp khó tránh khỏi ngập lụt trở lại. Vào lúc này, chính quyền địa phương ở các tỉnh Nam Trung bộ tiếp tục tổ chức ứng trực, đảm bảo an toàn cho người dân ngay từ lúc di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm cho đến khi nước rút hẳn.
Đảm bảo an toàn cho người dân vùng ngập lụt không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, mà còn rất cần sự vào cuộc của các đơn vị trực tiếp quản lý các tuyến đường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!