Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin về xây dựng Chính phủ điện tử diễn ra vào chiều nay (14/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định sẽ sớm thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Cuộc họp này diễn ra sau cuộc khảo sát về Chính phủ điện tử và Chính phủ số của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại Estonia, Pháp và Malaysia. Hiện cả 3 nước này đều có cơ quan chuyên trách giúp Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, có Cổng dịch vụ công quốc gia, có luật về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức theo hướng phi tập trung và mỗi công dân có một mã số định danh duy nhất. Một nguyên nhân dẫn đến thành công xây dựng Chính phủ số ở 3 nước này đó là nghĩ lớn, làm từ việc nhỏ và hành động nhanh. Nếu Việt Nam đầu tư tương tự như mức đầu tư của Estonia từ 1-1,4% chi tiêu ngân sách hàng năm cho xây dựng Chính phủ điện tử thì sẽ thu về 2% Tổng sản phẩm trong nước.
Khẳng định quyết tâm chính trị và ý chí về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu không cải cách đổi mới và áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, Việt Nam sẽ không thể tăng được năng suất lao động, không đẩy mạnh được cải cách hành chính, không chống được tiêu cực, tham nhũng và sẽ tiếp tục bị tụt hậu. Vì thế, từ hôm nay, Chính phủ sẽ đổi mới cách làm và triển khai một số biện pháp mạnh. Trong đó, sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, do Thủ tướng làm Trưởng Ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Trưởng Ban và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm ủy viên thường trực kiêm Tổng Thư ký. Quan điểm trong chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử của Thủ tướng sẽ là nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh, kết quả lớn và làm đâu chắc đấy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ tiên phong thực hiện Chính phủ điện tử và là cơ quan đầu mối về xây dựng Chính phủ điện tử. Các tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn sẽ cử một số chuyên gia giỏi để làm việc theo chế độ biệt phái tại Văn phòng Chính phủ để hỗ trợ triển khai những nhiệm vụ Chính phủ điện tử. Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng Nghị định về chia sẻ dữ liệu và trong tháng 11 tới phải trình Thủ tướng phê duyệt Đề án kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo mô hình phi tập trung.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu riêng tư; Nghị định về định danh điện tử của cá nhân, tổ chức, cũng như cơ sở pháp lý của Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin một cửa điện tử, cùng với quyết định của Thủ tướng về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, nhằm thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ, trước hết cải cách ngay các phiên họp của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành theo hướng giảm các văn bản báo cáo. Một yêu cầu khác cũng được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đó là phải đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có căn cước điện tử.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!