Khu đất có tranh chấp tại phường An Lạc A, quận Bình Tân hiện đang được nhiều hộ dân sử dụng
Theo đó, sẽ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài. Trong đó, có vụ khiếu nại về quyền sử dụng 16.000 m2 đất tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh của bà Lê Thị Hồng Phượng.
Trước đó Văn phòng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu đôn đốc Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại, giải quyết theo thẩm quyền và xử lý dứt điểm, tuy nhiên sau nhiều năm, đến nay vụ việc vẫn chậm trễ, chưa được giải quyết.
Theo khiếu nại của bà Lê Hồng Phượng, gia đình bà được thừa kế thửa đất có diện tích 16.000m2 có nguồn gốc trước năm 1975 đứng tên bà Trần Thị Đê (là mẹ chồng bà Phượng) có bằng khoán điền thổ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) số 1103. Đến năm 1978, dù không có văn bản tịch thu hoặc cải tạo trưng thu, nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy phép sử dụng đất cho Ban kiến thiết Bến xe Miền Tây và lần lượt sau đó là Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh sử dụng.
Phần diện tích còn lại do Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh quản lý. Trong thời gian này, UBND huyện Bình Chánh đã cấp cho ông Nguyễn Văn Nhờ 2.000m2 để cất nhà ở và sử dụng vào mục đích chăn nuôi.
Với diện tích 3.000m2 còn lại, UBND huyện chia cấp cho 20 hộ dân sử dụng và tự khai phá. Sau đó Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân quận Bình Tân (huyện Bình Chánh trước đây) đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho một số hộ dân nằm trên thửa đất có bằng khoán điền thổ số 1103 của bà Trần Thị Đê.
Trong quá trình giải quyết, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức đối thoại, tiếp xúc người khiếu nại. Mới đây nhất ngày 30/8/2018, ông Trần Văn Mây Cục trưởng Cục III, Thanh Tra Chính phủ đã làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành và UBND Thành phố Hồ Chí Minh và bà Lê Thị Hồng Phượng.
Tại buổi làm việc này, trên cơ sở xem xét nguồn gốc thửa đất, Lãnh đạo Cục III Thanh tra Chính phủ đã đề nghị đoàn kiểm tra đề xuất hướng giải quyết công nhận 200m đất ở không thu tiền cho gia đình bà Phượng. Phần diện tích còn lại nếu gia đình bà Phượng có nhu cầu thì đề xuất cho thuê đất thu tiền một lần hoặc trả tiền thuê hàng năm.
Tuy nhiên gia đình bà Phượng không đồng tình với đề xuất này và cho rằng thửa đất có bằng khoán điền thổ số 1103 là nguồn gốc sở hữu của gia đình. Nếu được giải quyết khiếu nại, Gia đình sẽ tự nguyện hiến các phần diện tích đất đã được Nhà nước cấp cho các hộ dân, đồng thời đề nghị được trả lại hơn 5.000m2 do Công ty xe khách Miền Tây đang sử dụng không đúng mục đích.
Theo một số luật sư, quyền sở hữu thửa đất của bà Phượng tại phường An Lạc A, quận Bình Tân là có cơ sở, do vậy TP. Hồ Chí Minh cần tìm hướng giải quyết đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh để vụ việc khiếu kiện kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!