ĐBSCL liên kết phát triển đô thị theo hướng kinh tế xanh

Quốc Thới-Thứ bảy, ngày 30/11/2013 12:00 GMT+7

 ĐBSCL được xác định là một trong 6 vùng đô thị hóa của cả nước. Do đó, để phát triển các đô thị một cách đồng đều và bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành.

Hiện nay, ĐBSCL đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo dự báo, mực nước biển sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Trường hợp xấu nhất có 50% đô thị trong vùng sẽ bị ngập nặng. Do đó, để thích ứng và chống lại với tình trạng trên thì việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cả du lịch trong vùng cần hướng đến các yếu tố xanh, sạch.

‘ Phát triển kinh tế trong vùng cần hướng đến các yếu tố xanh, sạch.

Toàn vùng hiện có 158 đô thị lớn nhỏ. Tuy nhiên, do sự liên kết chưa hiệu quả dẫn đến các đô thị trong vùng có sự cạnh tranh với nhau, cùng phát triển rập khuôn theo một mô hình nên chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng đô thị.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh cũng đã dẫn tới sự tác động lớn đến môi trường. Hoạt động khai thác các tài nguyên và sử dụng năng lượng không hiệu quả đã gây mất cân bằng sinh thái, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Do đó, để việc liên kết giữa các đô thị phát triển một cách bền vững, cần phải có những giải pháp đồng bộ và thiết thực.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch để đảm bảo yêu cầu liên kết; yêu cầu phát triển vùng theo kinh tế xanh. Theo đó, cần phải có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho liên kết. Tiếp đó, phải huy động các nguồn lực để đảm bảo cho phát triển đô thị theo kinh tế xanh được khả thi.

Bên cạnh những giải pháp mang tính chiến lược trên, các địa phương cần có sự phối hợp trong cải thiện nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Ngoài ra, cần thúc đẩy nhanh việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống; đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lượng Mặt trời, năng lượng gió.

Đặc biệt việc sản xuất khí sinh học từ hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi; tái chế các phế phẩm nông nghiệp thành phân bón để phục vụ sản xuất. Đây là xu thế tất yếu mà đô thị cần hướng tới. Qua đó, góp phần đưa nền kinh tế phát triển theo hướng xanh, sạch.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước