Theo phương án này, nam giới sẽ nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi, và nữ giới đủ 58 tuổi. Trong bối cảnh quỹ bảo hiểm xã hội đang chịu áp lực trong dài hạn, vấn đề tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu đang còn khá nhiều ý kiến khác nhau.
Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Giữ nguyên như hiện nay, nam giới đủ 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.
Phương án 2: Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Việt Nam có thể đối mặt với việc thiếu hụt nguồn lao động do già hóa dân số trong tương lai, vì thế có thể tính đến phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc tăng mỗi năm 3 tháng như phương án của Bộ LĐ-TB&XH là chưa phù hợp. Bởi sẽ gây khó cho cơ quan bảo hiểm trong việc tính toán lương hưu, và cũng không có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng công việc.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu năm 2020 bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, cứ 3 năm mới nên tăng thêm 1 tuổi. Như vậy, đến năm 2026 nam giới sẽ nghỉ hưu ở 62 tuổi, và năm 2029 nữ giới nghỉ hưu ở 58 tuổi, như vậy sẽ phù hợp cho việc bố trí lao động.
Còn vài năm nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu, song Tiến sỹ Trần Thị Thanh Hà cho rằng, chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu ở những ngành nghề cần trình độ chuyên môn cao, còn lại cần có chính sách để nhiều người lớn tuổi tự nguyện dời chức vụ về nghỉ hưu song vẫn tiếp tục làm việc khác và đóng Bảo hiểm.
Theo nhiều chuyên gia, nên phân định rõ tuổi nghỉ hưu và công việc chuyên môn thì việc tăng thêm 2 hoặc 3 năm công tác mới thực sự có ý nghĩa, tránh tình trạng tăng thời gian để kéo dài thời gian giữ chức vụ như nhiều ý kiến lo ngại.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!