Từ khi dịch nCoV xuất hiện tại Việt Nam, chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Dường như nó lại mang đến sự an tâm rất lớn cho không ít người. Cũng bởi vậy, giá của mặt hàng này tăng theo độ nóng của dịch bệnh và kéo theo đó là nhiều câu chuyện phát sinh từ chiếc khẩu trang này.
Tại Đường sách ở TP.HCM, toàn bộ nhân viên của hơn 20 gian hàng đều đeo khẩu trang cùng với đó là việc tăng cường vệ sinh môi trường. Một điểm đến du lịch khác ngay cạnh Đường sách là Bưu điện trung tâm cũng đã đông khách du lịch trở lại. Các nhân viên tại đây và hầu hết du khách đều đeo khẩu trang. Hai quầy phát khẩu trang miễn phí nhanh chóng hết hàng trong khi những ngày trước, số lượng này phát cả ngày mới hết.
Còn ở một văn phòng công ty khác, người ra vào liên tục, thay khẩu trang liên tục. Công ty này có khoảng 80 nhân viên. Nếu tính trung bình một người dùng 3 chiếc/ngày, cả công ty sẽ tiêu thụ tới hơn 7000 chiếc/tháng. Dù không bắt buộc, nhưng nhiều người vẫn đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.
Trong bối cảnh việc phòng chống dịch bệnh là hàng đầu thì hầu như ai cũng có tâm lý dù khẩu trang có đắt cũng phải mua. Thế nhưng, nếu không thực sự cần thiết phải mua nhiều, dùng nhiều như hiện nay thì đó lại trở thành một sự lãng phí.
Theo các chuyên gia y tế, virus Corona mới chủ yếu lây lan qua tiếp xúc. Điều đó có nghĩa đeo khẩu trang là một biện pháp được khuyến khích, chứ không phải là biện pháp mang tính chất quyết định trong việc ngăn ngừa virus. Mua khẩu trang để dùng, mua để tích trữ, mua càng nhiều càng an tâm thế nhưng đeo khẩu trang nhiều cũng chưa chắc đã hiệu quả bằng việc đeo đúng loại và đúng lúc, đúng chỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!