Nông sản Việt Nam được đánh giá là dồi dào, phong phú và có chất lượng tốt, một số loại đã được khách hàng nhiều nước trên thế giới đánh giá cao như thanh long, vải thiều, dứa, bưởi, xoài. Tuy nhiên, để đưa được vào thị trường các nước, hay ít nhất là vào chuỗi các siêu thị lớn ở các đô thị trong nước, các cơ quan chức năng và người sản xuất đang nỗ lực xúc tiến thương mại theo phương thức riêng của địa phương.
Từ một dự án phát triển nông nghiệp, na Chi Lăng, Lạng Sơn đã xuất hiện khoảng 30 năm trở lại đây, được trồng dọc theo các sườn núi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên có vị ngon đặc biệt. Thế nhưng, những người trồng na vẫn thấy khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Theo ngành nông nghiệp Lạng Sơn, đến nay, diện tích na trên toàn tỉnh vào khoảng 2.500 ha, sản lượng trên 20.000 tấn qủa. Riêng na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và là 1 trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Để mở rộng thị trường và đảm bảo tính ổn định hơn, ngành nông nghiệp Lạng Sơn đã liên tiếp tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại na với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong cùng ngày với Lạng Sơn, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại để quảng bá rộng rãi những loại nông sản sạch, chất lượng cao nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, trong đó nổi bật nhất là nhãn lồng- loại quả ngon nổi tiếng từ lâu, thu hút được sự chú ý của rất nhiều Doanh nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 1,2 tỷ USD, tăng 33% so cùng kỳ năm 2015 và triển vọng xuất khẩu cả năm nay được dự báo rất khả quan nên theo các cơ quan chức năng, cần xúc tiến thương mại bài bản, mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân và ổn định được đầu ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!