Dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua có chiều hướng lây lan nhanh và phạm vi rộng, nhiều chuồng trại có quy mô chăn nuôi lớn đã bị nhiễm dịch, buộc tiêu hủy hàng trăm ngàn con lợn. Từ thời điểm phát hiện ổ dịch đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 2 đến nay, toàn thành phố đã có thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch, nhưng diễn biến dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng.
Cụ thể, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy, quận Gia Lâm ngày 24/2. Đến ngày 13/5, dịch bệnh đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi (chiếm 9,62% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi); 1.206 thôn, tổ dân phố; 346 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện làm mắc bệnh và tiêu hủy 120.782 con với trọng lượng trên 8.000 tấn.
Theo Chi cục Thú y và chăn nuôi Hà Nội, đến tháng 4/2019, Hà Nội có tổng 1.871.623 tại 80.650 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Trên địa bàn thành phố hiện có 988 cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm trong đó có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn. Cơ sở giết mổ lợn có kiểm soát, được cấp chính quyền địa phương cho phép 47/259 cơ sở. Số lượng lợn giết mổ bình quân 6.500 - 7.000 con/ngày, trong đó có kiểm soát trên 60%.
Một số cơ sở giết mổ công nghiệp, tập trung lớn trên địa bàn thành phố như: cơ sở Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ bình quân 1.800 - 2.000 con/ngày; cơ sở giết mổ Minh Hiền (Thanh Oai) giết mổ 600 - 800 con/ngày; ba cơ sở tại huyện Chương Mỹ (thị trấn Trúc Sơn, Tốt Động, Hồng Phong) giết mổ bình quân 600 - 800 con/ngày. Số lợn giết mổ tại các cơ sở trên khoảng 60% nhập từ các tỉnh thành về.
Cũng theo Chi cục Thú y và chăn nuôi Hà Nội, trên địa bàn thành phố có trên 1.300 chợ, điểm, hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật ở nội thành, ngoại thành; có 604 siêu thị, cửa hàng tiện tích có bán sản phẩm động vật; 98 kho bảo quản trong đó có 96 kho bảo quản sản phẩm động vật và 2 kho bảo quản sản phẩm động vật không làm thực phẩm.
Để ngăn chặn triệt để khả năng lây lan dịch bệnh, thành phố đã nghiêm cấm việc vứt bỏ xác lợn chết ra ngoài môi trường, đặc biệt là ao hồ, sông ngòi. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng này thì lãnh đạo địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!