Theo số liệu cập nhật mới nhất, hạn hán đang hoành hành tại 7 tỉnh ở khu vực Trung Bộ. Đáng chú ý, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam còn phải gánh chịu thêm tình trạng xâm nhập mặn cao kỷ lục. Thành phố Đà Nẵng dù không nằm trong vùng khô hạn nhưng nồng độ mặn cũng lên cao chưa từng có.
Ở tỉnh Quảng Trị, độ mặn đo được ở trạm Bến Hải 4 là rất lớn, lên tới 25,1o/oo. Còn tại trạm Câu Lâu, tỉnh Quảng Nam, nơi cách cửa biển khoảng 15km, độ mặn đo được là 12,3o/oo, khốc liệt nhất trong vòng 15 năm qua. Trong khi đó, chỉ với độ mặn trên 1o/oo, nước sinh hoạt đã không thể sử dụng, 4o/oo là cây lúa đã héo rũ, không thể cứu vãn. Như vậy, độ mặn đã cao gấp 5 - 6 lần, thậm chí cả chục lần so với ngưỡng chịu đựng của cây trồng và con người.
Bản chất của xâm nhập mặn là tình trạng nguồn nước ngọt bị suy kiệt tạo điều kiện cho nước mặn từ biển lấn sâu vào. Nguyên nhân khiến nước ngọt ngày một cạn là do nước bốc hơi mạnh khi trời nắng nóng kéo dài cả tháng, không có mưa và lớp phủ thực vật nghèo nàn. Theo quan trắc, mỗi ngày lượng nước ở Trung Bộ bị bốc hơi 5 - 7mm trên 1m2 bề mặt, tương ứng gần 1 triệu m3 nước mỗi ngày bị thất thoát trên các diện tích bị hạn. Việc nguồn nước ngọt sụt giảm tạo điều kiện cho nước mặn lấn vào.
Bên cạnh đó, các nguồn nước bổ sung từ thượng nguồn cũng cạn dần. Tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tại tỉnh Quảng Nam, dung tích nước trong lòng hồ đã xuống dưới dung tích chết, không đủ vận hành, xả nước rửa mặn cho phía hạ du. Nước mặt cạn kiệt dẫn đến mực nước ngầm cũng bị sụt giảm. Tại khu vực Nam Trung Bộ, mực nước ngầm hạ thấp nhất là 4,05m vào tháng 6, thấp hơn so với năm 2018 tới 23cm và thấp hơn cùng kỳ nhiều năm 17cm.
Hiện tượng người dân ở vùng hạn đào giếng lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu cũng khiến mực nước ngầm càng thêm sụt giảm. Một nguyên nhân nữa phải tính đến là do tác động của con người vào dòng chảy tự nhiên như: các hoạt động san lấp mặt bằng, công trình xây dựng, hồ chứa.
Để giảm thiểu tình trạng này, ngoài những biện pháp mà các ngành chức năng đưa ra như: tích trữ, sử dụng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng ta cũng cần lưu ý các giải pháp như:
- Giảm lượng bốc hơi bằng cách tăng bề mặt thảm phủ thực vật như trồng cây xanh. Trên các mặt hồ có thể trồng các loại cây thủy sinh. Người dân cần hạn chế đào giếng, khoan giếng không theo quy hoạch.
- Hạn chế những tác động của con người can thiệp làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Như vậy, vấn đề được đặt ra là cần phải phát triển cân đối giữa công nghiệp với nông nghiệp và môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!