Điều dưỡng gây tê thay bác sĩ - Hành vi coi thường mạng sống của sản phụ!

VTV Digital-Thứ tư, ngày 27/05/2020 19:53 GMT+7

VTV.vn - Việc tổ chức thực hiện gây tê tủy sống cho sản phụ mà không có bác sĩ trong phòng mổ là sai quy định.

Liên quan đến tình trạng sử dụng điều dưỡng thay bác sĩ gây tê tủy sống cho sản phụ ở Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, các chuyên gia cho rằng quy định đã rất rõ ràng, việc thực hiện gây tê, gây mê phải có bác sĩ chuyên khoa trong phòng mổ để xử lý kịp thời những tai biến. Việc để điều dưỡng gây tê trực tiếp thực hiện khi không có bác sĩ bên cạnh là sai quy định.

Sau khi xem những hình ảnh điều dưỡng trực tiếp thực hiện các thao tác gây tê cho sản phụ, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang cho rằng đây là việc bình thường. Bệnh viện có bác sĩ nhưng bác sĩ ở bên ngoài và chỉ vào phòng mổ khi có việc cần.

Theo thông tư 13 của Bộ Y tế, nhân lực cho mỗi ca phẫu thuật tối thiểu phải có bác sĩ gây mê, hồi sức (khoản 3, điều 6). Và bác sĩ phải là người luôn có mặt khi gây mê - hồi sức cho người bệnh, trừ trường hợp đã có bác sĩ gây mê - hồi sức khác thay thế sau khi đã bàn giao đầy đủ (mục đ, khoản 2, điều 10).

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hồ Hải - nguyên Trưởng Khoa Gây mê hồi sức bệnh viện Chợ Rẫy, người có hơn 50 năm gây mê, hồi sức cho rằng việc tổ chức thực hiện gây tê tủy sống cho sản phụ mà không có bác sĩ trong phòng mổ là sai quy định.

Thực tế, việc để cho điều dưỡng trực tiếp thực hiện gây tê cho sản phụ đã diễn ra nhiều năm ở Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Và không phải chỉ 1, mà có 2 cử nhân điều dưỡng đã làm thay việc của bác sĩ. Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang đã từng có 2 lần cảnh báo bệnh viện về việc này.

Cụ thể, năm 2018, tổ giám định của Bảo hiểm đã phát hiện 40 bệnh án phẫu thuật do 2 cử nhân thực hiện gây mê, gây tê. Năm 2019, tổ giám định phát hiện vẫn còn tình trạng cử nhân thực hiện gây mê, với 9 trường hợp cụ thể được kê danh sách. Những trường hợp này đều không được Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Các quy định suy cho cùng cũng là để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Câu hỏi đặt ra là vì sao Thông tư 13 của Bộ Y tế đã ban hành được 8 năm mà ngành Y tế của tỉnh Tiền Giang vẫn còn để tình trạng bệnh viện dùng điều dưỡng gây tê tủy sống thay bác sĩ?

Trong khi đó, theo các chuyên gia, khi thuốc tê được tiêm vào người bệnh sẽ lan tỏa rất nhanh. Do vậy, với những ca bị biến chứng, bệnh nhân sẽ rất nguy hiểm nếu không được xử lí kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước