Toàn cảnh hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi thành phần kinh tế đều hoạt động bình đẳng trước pháp luật, nhưng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể vẫn giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước phải vươn lên để đảm nhiệm được vai trò lịch sử này".
Cùng dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Dù đây là hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhưng vấn đề nóng nhất lại là về cổ phần hóa. Do các các bộ chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, nên nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng đất ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước không thể định giá được tất cả các mảnh đất đang sử dụng, mà chỉ cần một mảnh không định giá sẽ làm tắc thủ tục cổ phần hóa của cả một tập đoàn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ở nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch và thượng tôn pháp luật, nhưng hiện đã phát hiện ra những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn. Việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa trên sàn chứng khoán chưa được thực hiện nghiêm túc, nhưng chưa có ai bị cách chức vì vi phạm này, kể cả trong đánh giá cán bộ cuối năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví doanh nghiệp nhà nước như chiếc ô tô tải đi giữa đường phố đông người, bị các xe nhỏ hơn là các doanh nghiệp tư nhân vượt qua. Vì thế, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua, kể cả công tác bổ nhiệm cán bộ lẫn đầu tư các dự án.
Vì vậy, Thủ tướng ủng hộ đề xuất phải tin và trao quyền tự chủ cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước trong điều hành, không để cái gì cũng phải chạy đi xin, nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ phải rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư.
Nhắc lại vấn đề đã được Thủ tướng chỉ ra ở 3 hội nghị về doanh nghiệp nhà nước từ đầu nhiệm kỳ này đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục đặc biệt lưu ý tới tình trạng ngại thay đổi, ngại đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Khẳng định lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sự lớn mạnh của các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là để giải quyết các thách thức phát triển kinh tế xã hộ,i mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế trong chiến lược phát triển của đất nước.
Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều cách làm nên về cơ bản đã chống được trì trệ, thất thoát, kém hiệu quả trong doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi nhiều hơn; đồng thời thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số lĩnh vực, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đã tái cơ cấu thành công. Thế nhưng để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo và phải đi đầu trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời phải chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra cạnh tranh quốc tế, vai trò chủ đạo của các tập đoàn là lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập kết nối với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết và một Nghị định để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!