Trong tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Đây cũng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa 14. Trong lần chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn ra một số nhóm vấn đề đang được dư luận và cử tri cả nước quan tâm hay vấn đề còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ như: giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết chế độ chính sách cho người có công, đặc biệt là các hồ sơ còn nhiều tồn đọng; vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, bộ đội, thanh niên xuất ngũ; vấn đề xử lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội; xử lý triệt để sim rác, tin nhắn rác…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Bộ trưởng cần thẳng thắn nhận trách nhiệm, không né tránh, cần đưa ra các chỉ tiêu, các cam kết rõ ràng các vấn đề được chất vấn để nhân dân giám sát. Đây cũng là lần đầu tiên phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được kết nối với các đại biểu ở tất cả các tỉnh, thành phố để theo dõi trực tuyến giúp các đại biểu trực tiếp tham gia chất vấn và tranh luận để đi đến tận cùng của vấn đề.
Theo đó, có thể nhận thấy, bắt đầu từ nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quan tâm hơn và có nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng như giải trình các vấn đề nóng. Cách thức chất vấn cũng đã có nhiều thay đổi và dễ nhận thấy nhất là khuyến khích trao đổi, tranh luận trực diện để giải quyết vấn đề một cách triệt để. Đồng thời, Quốc hội tăng cường công tác giám sát đối với các cam kết, lời hứa của các thành viên chính phủ.
PGS.TS Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp bày tỏ đồng tình và ấn tượng về những đổi mới trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội: "Ấn tượng đầu tiên là chúng ta đã tạo thêm một phương thức nữa để Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao – quyền rất lớn nhưng phương thức thì lại chưa tương thích. Ấn tượng thứ hai về nội dung chất vấn, không chỉ vấn đề chung chung mà chất vấn trên diễn đàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn những vấn đề bức xúc của xã hội và vấn đề cử tri mong muốn; qua đó cung cấp thông tin cho xã hội đồng thời thấy được vai trò và trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc khắc phục các vấn đề còn tồn tại".
Nhận định về phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài lên tới 3 ngày, PGS.TS Hoàng Thế Liên cho hay: "3 ngày cũng chưa phải nhiều nhưng có thể chất vấn được nhiều hơn, sâu sắc hơn trước. Để hiệu quả, không nên chất vấn nhiều thành viên chính phủ, phạm vi đối tượng chất vấn cần thu hẹp lại, vấn đề chất vấn cũng nên hẹp lại.
Tiến bộ về chất tuy nhiên tại từng buổi chất vấn các Bộ trưởng có những lời hứa và cam kết cần phải được giám sát, theo dõi. Cụ thể, cần phải ghi lại rõ ràng lời hứa, công khai cam kết để xã hội theo dõi, gửi về đối tượng trực tiếp liên quan tới cam kết đó, bởi họ sẽ theo dõi sát sao kịp thời, đúng đắn nhất. Thứ hai là, phải đưa phương tiện thông tin đại chúng vào đưa tin, đồng thời mở mục chuyên ngành về cam kết. Tại kỳ họp sau của mỗi lần chất vấn, yêu cầu những người đã cam kết phải có báo cáo bằng văn bản".
Cũng có chung quan điểm với PGS.TS Hoàng Thế Liên, luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và phát triển, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: "Không nên chất vấn tràn lan, nghe thì thích nhưng hiệu quả đến đâu thì không rõ, gây lãng phí thời gian. Nên chất vấn tập trung, chỉ một vài lĩnh vực. đồng thời nên có nghị quyết về chất vấn, và nghị quyết này cần phổ biến công khai.
Ngoài ra, PGS.TS Hoàng Thế Liên cũng đưa ra quan điểm về nâng cao năng lực giám sát, quản lý hành chính của Quốc hội: "Cần đề cao kỷ luật thực thi Nghị quyết; tăng cường giám sát của Quốc hội. Hiện mới đang là giám sát tuân thủ, mà phải giám sát cả kết quả. Ví du như nhiều việc đúng quy trình nhưng kết quả chưa tốt thì được cho qua nhưng kết quả tốt hơn mà sai quy trình lại bị bác".
Trong khi đó, luật sư Hoàng Ngọc Giao cho rằng, để chất vấn đạt hiệu quả hơn cần chất vấn về những bất cập của kinh tế, xã hội, thực thi pháp luật, "Quốc hội cũng nên có phiên giải trình trước cử tri về quy trình làm luật của Quốc hội. Công khai hóa các phiên thảo luận dự án luật, tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Cần làm rộng thêm ở các ủy ban của Quốc hội để mang tính chuyên sâu, thực tế hơn nữa để Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, Các đại biểu Quốc hội, với 25% đại biểu chuyên trách, cần có năng lực cần thiết và phải gắn với cử tri, với vấn đề xã hội khi chất vấn", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và phát triển nhấn mạnh.
Mời quý độc giả theo dõi chi tiết trong chương trình Sự kiện & Bình luận ngày 22/4 qua video trên.