Đồng Tháp: Ca tử vong do cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014

Trọng Hưởng - Thanh Định-Thứ bảy, ngày 08/02/2014 06:56 GMT+7

Thiêu hủy gia cầm mắc bệnh (Ảnh minh họa)

Tại Đồng Tháp vừa có ca tử vong do cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014. Đây cũng là ca thứ 2 trên cả nước trong năm nay.

Nạn nhân tử vong do cúm A/H5N1 là bà Võ Thị U, ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình.

Theo gia đình nạn nhân, vào ngày 26/1, bà U có triệu chứng khó thở, tăng huyết áp, nhức đầu và ớn lạnh, sang ngày hôm sau xuất hiện thêm tình trạng sốt cao. Do bệnh có hiện tượng chuyển biến nặng nên trong tối ngày 27/1 gia đình đã đưa bà U đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để điều trị, tuy nhiên sau đó bà tiếp tục được chuyển ngay lên Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.

Đến ngày 28/1, do bệnh tình ngày càng chuyển biến rất nặng, bà U tử vong. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm từ Trung tâm Cúm Quốc gia thuộc viện Pasteur TP.HCM cho biết, bệnh nhân dương tính với virus cúm A/H5N1.

Ngay sau khi nhận được thông tin nhiễm bệnh của bà U, Sở Y tế Đồng Tháp cùng các ngành, lực lượng liên quan và chính quyền địa phương cũng đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1.

13 trường hợp tiếp xúc với nạn nhân đã được lấy mẫu bệnh phẩm. Tất cả đều cho kết quả âm tính. 16 trường hợp được cho uống Tamiflu. Các biện pháp phun xịt tiêu độc khử trùng và tiên phòng tất cả gia cầm trong bán kính 400m cũng đã được các lực lượng chức năng triển khai ngay trong những ngày đón Tết Nguyên đán.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, với nhiều biện pháp tích cực đã được triển khai, đến nay tình hình dịch bệnh tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình đã được kiểm soát khá chặt chẽ và chưa xảy ra ca nhiễm mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là sự phối hợp và ý thức chủ động phòng chống cúm gia cầm của mỗi người dân tại cộng đồng.

Ca tử vong do cúm A/H5N1 đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2014 một lần nữa cho thấy sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống cúm gia cầm của một bộ phận người dân, đặc biệt là các vùng nông thôn. Việc ăn những gia cầm bệnh, chết, hoặc vứt xác gia cầm chết xuống kênh rạch, nuôi gia cầm nhỏ lẻ không tiêm phòng vẫn còn diễn ra ở khá nhiều nơi. Đây rõ ràng là một thách thức khá lớn đối với các ngành chức năng trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm nếu không có sự chủ động từ phía người dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước