Dư luận bàng hoàng vụ hàng chục ngôi nhà biến mất ở An Giang

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 30/04/2017 11:04 GMT+7

VTV.vn - Vụ sạt lở trên sông Vàm Nao, An Giang mới đây làm hàng chục ngôi nhà biến mất trong tích tắc đã khiến dư luận bàng hoàng.

Thực tế còn kinh hoàng hơn khi với hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long trung bình mất hơn 500ha đất mỗi năm. Nhiều tờ báo ra trong tuần đã phản ánh thực trạng đau lòng này và đi tìm nguyên nhân.

Báo Tuổi trẻ

"Điêu đứng vì sạt lở" - cái tít kèm theo bức ảnh đăng trên tờ Tuổi trẻ đã nói thay cho rất nhiều ngôn từ. Bài báo cho biết, một cuộc chạy sạt lở vô tiền khoáng hậu đã diễn ra sau các vụ sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang. Dòng sông Vàm Nao trù phú cá tôm bỗng chốc trở nên hung dữ, đuổi hàng trăm hộ dân đang sống sung túc đi khỏi nơi bình yên bao đời.

Báo Thanh Niên

Theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường An Giang, tại vị trí sạt lở xuất hiện một hố xoáy sâu, chiều dài gần 400m, chiều ngang hơn 100 m và độ sâu âm đến 42m. Hiện, tỉnh An Giang đã mời Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đến khảo sát và tư vấn cho tỉnh về giải pháp khắc phục lâu dài.

Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi vụ sạt lở diễn ra, tỉnh An Giang đã công bố những con số khiến nhiều người giật mình, như: 2 năm qua tỉnh An Giang đã xảy ra 38 vụ sạt lở, mất hơn 140 căn nhà, thiệt hại trên 100 tỉ đồng mỗi năm. Một điều đáng lưu ý là, trong một báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường An Giang cách đây hơn 2 năm, đoạn sạt lở vừa qua đã được xếp vào cấp độ rất nguy hiểm.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Vậy tại sao tỉnh An Giang lại không có những hành động, biện pháp cụ thể nào, để hiện tượng sạt lở nghiêm trọng kia không xảy ra? Sao không thể xây dựng dược những biện pháp ứng phó hiệu quả mang tính chủ động hơn, dù đã có báo cáo khoa học thực tế về chuyện này? Tờ Nông nghiệp Việt Nam đặt một loạt câu hỏi trong bài viết có nhan đề "Thờ ơ với cảnh báo".

Dư luận bàng hoàng vụ hàng chục ngôi nhà biến mất ở An Giang - Ảnh 2.

Sau các vụ sạt lở, chính quyền địa phương đều đưa ra hàng loạt các giải pháp ứng phó, nhưng theo nhiều chuyên gia môi trường, điểm cốt yếu nhất của vấn đề lại chưa được nhận diện một cách rõ ràng. Đó là câu chuyện vì sao có những hố xoáy?

Báo Thanh Niên

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, một chuyên gia về biến đổi khí hậu cho biết: 10 năm trở lại đây, các điểm sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn so với trước. Và một trong những nguyên nhân được cho là do khai thác cát quá mức. Dòng chảy đói cát sẽ chảy mạnh hơn, gây xói lở bờ sông, bờ biển...

Ông Tuấn chia sẻ trên báo Tuổi trẻ cho rằng, việc cần làm nhất hiện nay là chính quyền phải kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát. Trước mắt, các địa phương nơi đây cần làm ngay bản đồ vùng có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối không cho khai thác cát và xây dựng công trình dân cư ở nơi này.

Báo Người lao động

Đồng quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cũng phân tích thêm: trước đây, lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về vùng ĐBSCL mỗi năm khoảng 160 triệu tấn nhưng từ khi phía Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện thì lượng phù sa giảm còn 75 triệu tấn/năm. Sắp tới, nếu 11 đập thủy điện ở Lào, Campuchia hình thành thì chỉ còn 42 triệu tấn/năm. Lúc đó, sạt lở càng nặng nề hơn.

Dư luận bàng hoàng vụ hàng chục ngôi nhà biến mất ở An Giang - Ảnh 5.

Mục Góc nhìn của tờ Đại đoàn kết bình luận: Nỗi lo Hà Bá nuốt mất nhà lẫn tính mạng không còn là chuyện trong truyền thuyết nữa, mà đã hiển hiện sự thật.

Báo Đại đoàn kết

Tờ Đại đoàn kết cho rằng, chính Hà Bá là cát tặc, hay việc khai thác không theo quy hoạch gây nên những hậu quả khôn lường. Tài nguyên cát cũng đã dẫn đến vấn nạn móc ngoặc, hối lộ, bao che...; sự núp bóng đủ các dạng và nhất là cát tặc đã như con thiêu thân, ngày đêm đục khoét ở bất cứ nơi nào có thể.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước