Cuộc họp báo của Công an quận Bắc Từ Liêm ngày 2/8.
Nhiều tờ báo lớn đã phản ánh vụ việc, nhiều đơn thư của các cơ quan chức năng cấp cao được chuyển tới những nơi cần thiết nhưng cho tới nay, vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Tại cuộc họp báo được Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức, Trung tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó trưởng Công an quận cho hay, khoảng 10h06 phút ngày 2/8, Công an phường Cổ Nhuế 1 đã tiếp nhận được đơn trình báo của 2 công dân về việc một số nhân viên Trường Pascal bị bắt giữ tại Lô TH1.
"Khi cơ quan điều tra triển khai lực lượng đến hiện trường đã gặp gỡ, yêu cầu phía Công ty TDS mở cổng để CQĐT giải quyết tin báo tội phạm nhưng không nhận được sự hợp tác. Công an đã cưỡng chế mở cổng và "giải cứu" 4 người thuộc trường Pascal. Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan công an đã bắt 4 người đưa về trụ sở, ra quyết định tạm giữ với 2 trường hợp là ông Đỗ Văn Hà, Nguyễn Thị Hồng và thả tự do cho Vũ Thị Liên và Nghiêm Nhật Anh. Tuy nhiên, công an quận đã từ chối cung cấp tài liệu chứng mình việc thuyết phục mở cổng, chứng minh các hành vi chống người thi hành công vụ và chứng minh việc "giải cứu" người là cấp thiết".
Hiện trường vụ phá cửa lô TH1 ngày 2/8.
Trước đó, vào ngày 4/8/2019, bà Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục TDS Việt Nam (trú tại 287 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến nhiều cơ quan cấp cao. Nội dung đơn, bà Trần Kim Phương tố cáo việc Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đã thực hiện các hành vi trái pháp luật, trấn áp, tự ý phá khóa, bắt giữ người, gây thiệt hại về danh dự, tài sản của công dân và đề nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân vi phạm. Về vụ việc này, trong một thời gian ngắn, hàng loạt cơ quan cấp cao đã có văn bản đề nghị xem xét, giải quyết.
Ngày 9/8, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chuyển đơn của bà Trần Kim Phương. Công văn cũng nêu rõ: "Sau khi xem xét, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đơn đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời đương sự và thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước kết quả giải quyết".
Tiếp đó, ngày 14/8, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - ĐBQH khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre có phiếu báo tin cho biết đã nhận được đơn của bà Trần Kim Phương. Sau khi nghiên cứu, căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quyết định của công dân, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã chuyển đơn của bà Phương đến Bộ trưởng Bộ Công an để giải quyết. Cùng ngày 14/8, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có văn bản số 302/BDN chuyển đơn của bà Trần Kim Phương đến Giám đốc Công an TP Hà Nội để xem xét, giải quyết.
Ngày 16/8, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội chuyển đơn của bà Trần Kim Phương đến cơ quan này để kiểm tra, xem xét, chỉ đạo giải quyết. Cùng ngày, Văn phòng Thành ủy Hà Nội có giấy báo tin số 3656/GB/VPTU/td gửi bà Trần Kim Phương nêu rõ: Đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận được đơn của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục TDS Việt Nam đề ngày 12/6/2019 (do Văn phòng Trung ương Đảng chuyển đến). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Văn phòng Thành ủy đã chuyển đơn của Công ty đến Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định.
Trong một diễn biến khác, do không đồng ý với những thông báo ban đầu của các cơ quan tố tụng quận Bắc Từ Liêm, bà Trần Kim Phương đã gửi đơn tố cáo khẩn thiết tới Bộ Công an, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội… tố cáo hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn của các cơ quan tố tụng quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Đặc biệt, trong hồ sơ gửi cơ quan chức năng tố cáo hành vi lạm quyền của Công an quận Bắc Từ Liêm, Trần Kim Phương đã cung cấp 3 vi bằng được lập tại Văn phòng thừa phát lại Ba Đình và nhiều bằng chứng khác là hình ảnh, video clip, cho rằng phía Công an đã lạm quyền, phá cổng, bắt giữ người và tiến hành một số hoạt động không mang tính chất công vụ.
Đáng chú ý, trong nhiều tài liệu và hình ảnh video được bà Phương cung cấp, tại thời điểm sáng 2/8, các "con tin" mà phía Công an quận gọi là bị bắt giữ đang trong phòng làm việc tại lô đất TH1 và đi lại nói chuyện rôm rả tự do trong phòng thuộc lô đất TH1. Điều đáng nói là bà Phương cũng cung cấp nhiều văn bản trình báo việc trước thời điểm vụ "giải cứu con tin" diễn ra, bà đã gửi cơ quan chính quyền thông báo việc nhiều nhân viên bà Dung sinh hoạt bất hợp pháp trên phần diện tích đất của bà đang sử dụng, thậm chí đề nghị chính quyền trục xuất những người đó ra khỏi khu vực đất mà bà Phương đang sử dụng và hoàn thiện công trình. Bà Phương cũng đã kiến nghị Công an TP Hà Nội rút hồ sơ sự việc từ Công an Quận Bắc Từ Liêm về Công an Thành phố để điều tra những tố giác của bà. Được biết trước đó, Trung tướng Nguyễn Duy Khương - Giám đốc Công an Hà Nội cũng đã trực tiếp tiếp nhận đơn của bà Phương phản ánh và hứa sẽ có sự trả lời rõ ràng sự việc.
Mới đây, trong một cuộc trao đổi với báo chí, TS Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, không nhất thiết phải khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ" tại quận Bắc Từ Liêm. Theo ông Nhưỡng, nếu thực sự trong trường hợp cấp thiết thì phải tổ chức giải cứu người bị giam giữ là cần thiết nhưng phải đúng luật chứ không được theo cảm tính.
Ông Nhưỡng cho biết đã xem khá kĩ hồ sơ tài liệu về vụ này và cả thông tin trên báo chí thì thấy không có tình thế cấp thiết, không có tình huống theo pháp luật là giải cứu con tin và cũng không có tình huống phải huy động một lực lượng hùng hậu như vậy để giải quyết. Ông cũng nêu câu hỏi: Ở đó giải cứu ai mà cần lực lượng hùng hậu thế? Tại sao vụ này chỉ có một cuộc điện thoại mà công an lại chuẩn bị lực lượng nhanh thế?
"Mọi việc đã diễn ra chứng tỏ phía công an đã có sự chuẩn bị trước, có kế hoạch từ trước. Xã hội và các cơ quan chức năng cần giám sát việc làm sáng tỏ, minh bạch vụ việc nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lực lượng thực thi pháp luật thích làm gì thì làm, làm tùy tiện, sử dụng quyền lực một cách bừa bãi, lạm quyền, lộng quyền, dẫn đến có thể xâm hại quyền của các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Như thế là vi phạm hiến pháp vì chúng ta đang đề cao quyền con người. Tôi lấy ví dụ trong vụ việc đó, người ta (chủ nhà) dùng điện thoại quay clip thì công an lại bắt cả người đó. Đó là hành vi sử dụng quyền lực bừa bãi hoặc không hiểu biết gì về luật. Bởi vì người dân có quyền ghi lại hình ảnh khi cơ quan, lực lượng công quyền đang làm việc để giám sát và có những bằng chứng khiếu nại khi cần", ông Nhưỡng nói.
Nhận định phía công an không có đủ tài liệu, chứng cứ, tình tiết để khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật, TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: "Tôi cũng cho rằng với tính chất như vậy không cần phải khởi tố 2 người đó chống người thi hành công vụ, cùng lắm chỉ xử phạt hành chính nếu 2 người đó vi phạm có tính chất không nghiêm trọng. Vì mấu chốt là đoàn công tác xông vào nhà người ta trái pháp luật, không có lệnh nào cả. Tôi cho rằng cần khởi tố những người xâm nhập trái phép, phá cửa, xâm phạm đến tài sản pháp nhân. Còn khỏi tố những người kia là không đúng. Có thể xử lý hành chính (nếu đúng họ chửi bới và ném cát) về hành vi của họ nhưng đó không phải là những hành vi nguy hiểm và mức độ như vậy có cần khởi tố không? Tôi thấy có quá nhiều vấn đề chưa rõ, còn những điểm khuất tất cần làm rõ và đánh giá lại".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!