Đây là mục tiêu theo Khung chính sách kinh tế Việt Nam vừa được công bố vào cuối năm 2018. Với mức này, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao.
Tuy nhiên, việc đưa Việt Nam từ một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp với gần 2.600 USD như hiện nay lên một nước có mức thu nhập trung bình cao đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng liên tục được trên 7%. Đây là một thách thức rất lớn vì nếu 63 tỉnh, thành của Việt Nam được ví như một đàn chim, đàn chim ấy muốn bay nhanh không chỉ do con đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn.
Để quy mô của nền kinh tế đạt 290 tỷ USD vào năm 2020, rồi đạt 670 tỷ USD vào năm 2030, nền kinh tế không chỉ dựa vào số ít các con chim đầu đàn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng mà còn phải cả các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 16 tỉnh, thành tự chủ được ngân sách và có điều tiết về Trung ương, còn lại 47 tỉnh vẫn chưa tự lo được cho mình.
Việt Nam nỗ lực đưa mức thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần vào năm 2030, thời điểm rất nhiều ý nghĩa khi Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Mục tiêu cao hơn nữa là đưa quy mô nền kinh tế nước ta tăng gấp hơn 17 lần trong 30 năm tới với mức thu nhập bình quân đầu người đạt mức hơn 18.000 USD vào năm 2045, đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đây là khát vọng lớn của dân tộc. Để biến khát vọng dân tộc này thành hiện thực, lãnh đạo cũng như người dân của toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước cũng phải có chung khát vọng này, từ đó từ hun đúc thêm ý chí trong làm giàu và phát triển theo thế mạnh của mình để không tỉnh, thành nào bị ở lại phía sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!