Các diễn giả tham gia Hội thảo. Ảnh: VnE
Trong hai ngày (27 và 28/10) tại trường ĐH KHXH và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), hội thảo về “Dịch văn học, những vấn đề lý thuyết và các bài học kinh nghiệm” đã được các Giáo sư, dịch giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Đại học Aix-Marseille (Pháp) đưa ra thảo luận và đúc rút kinh nghiệm nhằm hướng tới một nền văn học dịch Việt Nam phát triển hơn.
Sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại trong suốt 28 năm qua, từ năm 1986 đến nay, dưới sự đánh giá của các nhà nghiên cứu, văn học dịch chiếm tỉ trọng lớn và giữ vị trí quan trọng. Nhờ nỗ lực của các dịch giả và nhà xuất bản mà người đọc Việt Nam bắt kịp đời sống văn học thế giới. Từ các tiểu thuyết ăn khách, tác phẩm được giải uy tín như Nobel, Pulitzer hay các tác phẩm kinh điển của văn chương thế giới đã được giới thiệu trong nước.
Tuy nghiên, văn học Việt dịch ra thế giới thì lại quá ít. Chưa nói đến lượng độc giả là người nước ngoài, với những người Việt hiện đang sống ở khắp nơi trên thế giới thì văn học Việt Nam với họ, dường như vẫn còn xa lạ.
Ông Phạm Quang Minh - Phó hiệu trưởng trường ĐHKHXH & NV phân tích: “Chúng ta biết rằng, có khoảng hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài vì những điều kiện khác nhau như địa lý, lịch sử, chính trị, nên họ vẫn còn khoảng cách đối với việc tìm hiểu giá trị truyền thống của người Việt Nam. Thứ hai là, các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài do phải hội nhập với nền văn hóa nơi mà họ đang sinh sống nên họ cũng không biết được nhiều về cội nguồn của mình. Tôi nghĩ rằng văn học là chìa khóa, có thể văn học là cầu nối quan trọng nhất, giúp cho người ta có thể hiểu được về cội nguồn của dân tộc mình”.
Với 40 bản tham luận, các Giáo sư, dịch giả đến từ trường đại học Aix Marseille đã đưa ra những con số thống kê, những bài học kinh nghiệm cũng như những lời khuyên dành cho các dịch giả, các nhà văn Việt Nam trên con đường hội nhập thế giới.
Ông Jean Claude De Creslenzo, PGS-TS Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc - Đại học Aix Marseille chia sẻ: “Tôi có một lời khuyên với các bạn Việt Nam là hãy kiên nhẫn, hiện ở Việt Nam số lượng tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài dưới 1%, do đó cần rất nhiều thời gian để thiết lập đội ngũ phiên dịch ra các thứ tiếng. Thứ hai là hãy quan tâm đến vấn đề truyền thông. Thứ ba là cần tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, hệ thống truyền thông để đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng”.
Văn hóa là tác động đa chiều, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại thì một điều quan trọng khác là chúng ta cũng phải truyền tải những giá trị của văn học Việt Nam ra nước ngoài để các nước hiểu được những giá trị văn hóa của Việt Nam, hiểu được lịch sử, truyền thống và đặc biệt là tinh thần đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Đó là kết luận quan trọng được hội thảo đưa ra và hướng tới.