Dừng một số ngành tài chính, ngân hàng: Sẽ không cào bằng trên cả nước

Phan Thu-Thứ tư, ngày 23/01/2013 06:43 GMT+7

Ảnh minh họa

Gần đây, dư luận rất qua tâm đến thông tin: Năm 2013, Bộ GD - ĐT tạm dừng mở một số ngành học thuộc lĩnh vực tài chính, kinh doanh. Điều này đã khiến nhiều người có nhu cầu học lo lắng, vậy thực chất vấn đề này là như thế nào?    

Theo dự báo của Trung tâm cung ứng nhân lực Quốc gia năm 2013, sẽ có khoảng 120 sinh viên theo học các ngành về tài chính, kinh doanh ra trường không có việc làm. Số lượng đào tạo sinh viên các chuyên ngành này mỗi năm dư khoảng 18% so với nhu cầu thực tế của xã hội. Hiện tại có 60% các trường ĐH, CĐ trên cả nước có mở ngành đào tạo liên quan đến kinh tế. Đây là những con số mà đại diện Bộ GD - ĐT đã đưa ra. Cung vượt quá cầu và sự suy thoái kinh tế trong năm qua, là cơ sở để mới đây Bộ GD - ĐT đưa ra khuyến cáo các trường ĐH, CĐ hạn chế tuyển và mở mới những ngành này. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, thông tin này đang được nhiều người hiểu không đúng.

Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD - ĐT tại TP.HCM, cho biết: “Bộ hoàn toàn không có chủ trương về vấn đề ngừng việc tuyển sinh vào ngành kinh tế, tài chính. Bộ chỉ có chủ trương sẽ xem xét kỹ lưỡng việc các trường hiện nay đang xin mở mới và thành lập các trường ĐH ở các ngành kinh tế tài chính. Hiện những trường đào tạo về kinh tế, tài chính vẫn tiếp tục tuyển sinh”.

Theo Bộ GD - ĐT, việc hạn chế mở mới ngành và thành lập các trường về chuyên ngành liên quan đến tài chính, kinh doanh sẽ không áp dụng cào bằng trên cả nước, mà sẽ xem xét nhu cầu thực tế của từng vùng để có điều chỉnh hợp lý.

Ông Đỗ Quốc Anh, cho biết thêm: “Chủ trương là chỉ những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM sẽ thắt chặt việc mở các ngành tài chính với các trường đang xin và không cho thành lập những trường mới vì cung đã vượt quá cầu. Ở những vùng sâu vùng xa, ở những nơi có nhu cầu lao động về ngành này thì vẫn có thể”.

Việc hạn chế mở ngành tài chính, kinh doanh nằm trong lộ trình chuyển dịch cơ cấu đào tạo ngành nghề trong thời gian tới. Đứng dưới góc độ quản lý nhà nước, việc Bộ GD - ĐT đưa ra khuyến cáo như trên là hoàn toàn bình thường.

“Khuyến cáo này là một hướng đi tốt. Đáng lẽ khuyến cáo đã phải được thực hiện từ rất lâu rồi, từ khi có khủng hoảng kinh tế năm 2008”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM nói.

Việc khuyến cáo cũng như định hướng ngành nghề để đào tạo là cần thiết, để tránh tình trạng học sinh đổ xô vào các ngành học “hot” nhưng lại khó kiếm việc làm khi ra trường, trong đó ngành tài chính, kinh doanh là một ví dụ. Điều này sẽ vừa tránh gây ra sự lãng phí cho xã hội, vừa tạo điều kiện cho học sinh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các ngành mới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước