Tại 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đã lên đến hơn 5.000 trường hợp dù đây không phải là cao điểm dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thói quen trữ nước trong mùa nắng nóng của người dân.
Ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, gia đình nào cũng có thùng hoặc hồ chứa nước, nhà ít có 2, nhiều có đến 5 thùng. Nước được để trong các thùng rất nhiều ngày, vì thùng không đậy hoặc đậy không kín nên loăng quăng sinh sôi thành ổ. Dù xã đang có ổ dịch sốt xuất huyết và người dân lo ngại gia đình sẽ có người mắc bệnh nhưng việc ngừng trữ nước trong các thùng như thế này là không thể.
Để sử dụng hết lượng nước chứa ở các thùng, phải mất từ 5 - 7 ngày, thậm chí 10 ngày, đó là thời gian muỗi sinh sôi. Đây chính là lý do sốt xuất huyết kéo dài dai dẳng ở những làng biển như thế này.
Theo lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Bình Định, dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền nhưng thói quen trữ nước của người dân vẫn không thay đổi. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, tình trạng thiếu nước đang diễn ra. Để có nước, hộ nào cũng xây hồ, mua thùng trữ nước. Nước dùng nhiều ngày không súc rửa nên loăng quăng bùng phát. Hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Định từ đầu năm đến nay là con số thật sự đáng lo ngại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!